Phụ nữ cần phát huy quyền làm chủ trong ứng cử, bầu cử
Cùng với nam giới, việc tham gia bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là cơ hội để nữ giới lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, những người đủ tiêu chuẩn, không phân biệt nữ, nam xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Phụ nữ thực hiện quyền bầu cử của mình là trực tiếp phát huy quyền dân chủ trong xây dựng Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ tham gia bầu cử đó vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của chính bản thân phụ nữ.
Hiến pháp năm 2013 đã hiến định sâu sắc hơn quyền của phụ nữ trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp năm 1992 và các hiến pháp trước đó. Tại Chương II Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các quyền con người nói chung và quyền của phụ nữ nói riêng. Quyền của phụ nữ được quy định từ điều 14 đến điều 49.
Tại Điều 27, Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.
Ngoài các quyền trên, phụ nữ còn có quyền: Được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội (Khoản 2 Điều 26); Được Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, quyền lợi của người mẹ và trẻ em (Khoản 2 Điều 36); Được Nhà nước, xã hội và gia đình bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện kế hoạch hóa gia đình (khoản 2 Điều 58).
Xét trong mối tương quan với nam giới, quyền của phụ nữ Việt Nam được quy định trong các bản Hiến pháp nước ta đã thể hiện rõ quan điểm “bình đẳng và ưu tiên”. Có những quyền được pháp luật xây dựng bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ trước pháp luật nhằm xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong công việc, trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và trong đời sống gia đình.
Bên cạnh đó có những quyền ưu tiên (trong việc tuyển dụng, sắp xếp công việc, nghỉ hưu...), tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thể hiện khả năng của mình với việc đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội, đồng thời tránh rủi ro trong nghề nghiệp, trong cuộc sống gia đình và xã hội.
Cụ thể hóa các quyền trên, tham gia bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, phụ nữ có quyền ghi tên vào danh sách cử tri, được phát thẻ cử tri. Mỗi cử tri nữ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Với những cử tri nữ là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng; là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.
Cử tri nữ còn được quyền khiếu nại về danh sách cử tri: Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, cử tri nữ có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho cử tri nữ biết kết quả.
Trường hợp cử tri nữ không đồng ý về kết quả này hoặc hết thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Trong quá trình bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, mỗi cử tri nữ có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân. Trường hợp cử tri nữ ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị để cử tri nữ nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử…
Để thực sự khẳng định được vai trò của giới mình, ngoài quyền bầu cử, phụ nữ còn có quyền ứng cử theo quy định của Luật. Việc xây dựng vào đào tạo cán bộ nữ, nâng cao tỷ lệ lãnh đạo là nữ hiện nay đang là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Theo quy định, những phụ nữ đáp ứng được các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có quyền được ứng cử làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đồng thời phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử…
Hiện nay, phấn đấu đạt tỷ lệ 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là phụ nữ là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những yêu cầu cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng.
Điều 8 và Điều 9 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân quy định số lượng nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ. Để phát huy quyền của phụ nữ trong bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân chính bản thân phụ nữ cần:
Thứ nhất, tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, tìm đọc tài liệu hỏi đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân để hiểu đầy đủ về những quy định trong bầu cử.
Thứ hai, tham gia đầy đủ các cuộc họp về bầu cử ở địa phương, đọc thông tin, theo dõi tin tức trên đài phát thanh, truyền hình về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Thứ ba, nghiên cứu kỹ tiểu sử ứng cử viên, lắng nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động. Lựa chọn các ứng cử viên nam, nữ đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài để bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Lựa chọn những người có thể đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng và nói lên được tiếng nói của phụ nữ, nhân dân địa phương.
Thứ tư, trực tiếp và vận động các cử tri khác đi bầu cử. Tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu, không nhờ người khác bầu hộ, bầu thay, bầu bằng cách gửi thư.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ và những nội dung trên cần thiết phải có sự kết hợp đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến địa phương, từ chủ trương chính sách đến triển khai thực hiện. Do đó, cần phải có giải pháp để bảo đảm một tỷ lệ nữ nhất định tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đó là:
Một là, thường trực Hội đồng nhân dân các cấp cần định hướng một tỷ lệ nhất định đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Việc định hướng của Hội đồng nhân dân các cấp là yếu tố rất quan trọng đối với việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong tham gia cơ quan dân cử. Điều đó đánh dấu sự thay đổi vượt bậc tư duy và hành động của các cấp chính quyền địa phương đối với vị trí, vai trò của người phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý.
Hai là, đề cao vai trò, trách nhiệm của của các cấp ủy Đảng trong việc quan tâm lựa chọn, giới thiệu nhân sự là phụ nữ.
Thực tế cho thấy, nếu hoạt động quy hoạch, đào tạo, lựa chọn và giới thiệu nhân sự là phụ nữ ở cơ quan, đơn vị hay địa phương nào được tiến hành thường xuyên, bảo đảm dân chủ và có hiệu quả thì tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý, tham gia ứng cử, bầu cử luôn đạt được ở mức cao, theo đúng hướng dẫn và sự lãnh đạo của tổ chức Đảng nơi đó.
Cụ thể, cứ trong 10 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thì có 4 người là nữ để qua ba vòng hiệp thương theo luật định thì tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ vẫn còn ít nhất là 35 % trong tổng số người được lập danh sách chính thức những người ứng cử. Do vậy, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng quyết định đến chất lượng công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ nữ của Đảng nói riêng.
Ba là, bản thân những phụ nữ được giới thiệu ra ứng cử (hoặc tự ứng cử) cần có sự chuẩn bị chu đáo trong vận động bầu cử (tranh cử) theo quy định của Luật.
Một trong những hạn chế của đa phần phụ nữ là tính tự ti, chưa dám khẳng định vai trò của giới mình và chính bản thân mình trong xã hội, nhất là những vị trí lãnh đạo, quản lý.
Mặc dù có ưu thế “chiếm một nửa xã hội”, có động lực phấn đấu rất lớn, tinh thần cống hiến cho xã hội rất cao, nhưng nhiều chị em phụ nữ chưa vượt qua được chính bản thân mình. Rất nhiều phụ nữ đã bỏ qua và đánh mất cơ hội phấn đấu vươn lên chính đáng cho chính bản thân mình và giới mình.
Do vậy, để cử tri hiểu rõ về mình, ủng hộ mình khi bỏ phiếu bầu cử chị em phụ nữ cần năng nổ, hăng hái hơn nữa, vượt qua mặc cảm, tự khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Bằng những hành động và việc làm cụ thể để chứng minh năng lực, tinh thần trách nhiệm, khả năng cống hiến của mình không kém gì nam giới, hoàn toàn đảm nhiệm được trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.