Đưa nông nghiệp thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và manh mún

PV.

Ngày 20/8, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Hội thảo cũng thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu là đại diện các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương; cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung quan trọng như: tổng kết, đánh giá những vấn đề lý luận – thực tiễn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; làm rõ vị trí, vai trò, mối quan hệ của CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đồng thời, phân tích, đánh giá thành tựu, kết quả và những hạn chế, yếu kém cũng như những cơ hội và thách thức của CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đề xuất các quan điểm, định hướng và giải pháp để đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM, góp phần thực hiện mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận và đưa ra những ý kiến thiết thực nhằm góp phần đẩy mạnh thực hiện chương trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận truyền thống trong CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn. Chuyển hướng sang phát triển một nền nông nghiệp hiện đại với các đặc tính như: năng suất cao, giá trị gia tăng lớn, dựa vào kỹ thuật và công nghệ, ít gây ô nhiễm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần chú trọng vai trò của công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình sang mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, dựa vào trang trại và doanh nghiệp. Nền nông nghiệp quy mô lớn cần thu hút được các doanh nghiệp lớn, đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là thâm nhập được vào thị trường khó tính của các nền kinh tế phát triển.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhận định, hiện nay, với tỷ lệ 70% dân số sinh sống ở nông thôn, trong đó 50% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn mang tầm ý nghĩa chiến lược. Những năm qua, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cụ thể, tăng trưởng nông nghiệp bình quân đạt trên 3% năm, đời sống người dân tăng gấp 2 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã trở thành hiện thực trong cả nước.

Tuy nhiên, thực tiễn sản xuất ngành nông nghiệp hiện vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa bền vững; ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vẫn còn khiêm tốn; đời sống của người dân được cải thiện nhưng cơ bản vẫn còn khó khăn.

Chính vì vậy, để hội nhập hiệu quả với thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của ngành nông nghiệp là vấn đề hết sức cấp bách. Đồng thời, ngành Nông nghiệp cần quan tâm đến các công tác về quy hoạch sản xuất nhằm tránh tình trạng “được mùa mất giá” cho người nông dân, quan tâm đến hình thức tổ chức sản xuất thông qua các mô hình liên kết sản xuất để tạo ra sản phẩm năng suất cao, chất lượng đồng đều; gắn sản xuất, tiêu thụ với chế biến; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong nông nghiệp, nông thôn; quan tâm, nghiên cứu vấn đề về phát triển nguồn nhân lực, vận dụng chính sách cụ thể vào từng vùng, nhân rộng những cách làm hay, mô hình điển hình; thu hút sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.