Pokemon Go - không đơn thuần giải trí

Theo daibieunhandan.vn

Nhiều nước trên thế giới lẫn công ty phát hành Pokemon Go đã đưa ra khuyến cáo “không chơi Pokemon Go trong khi đang lái xe, luôn cẩn trọng và cảnh giác, đề phòng xung quanh”.

Có mặt tại Việt Nam chính thức từ ngày 6/8, Pokemon Go của hãng Nintendo (Nhật Bản) lập tức tạo nên một “cơn sốt”. Nguồn: vntinnhanh.vn
Có mặt tại Việt Nam chính thức từ ngày 6/8, Pokemon Go của hãng Nintendo (Nhật Bản) lập tức tạo nên một “cơn sốt”. Nguồn: vntinnhanh.vn

Say mê bắt Pokemon đến nỗi bị giật điện thoại ở nơi công cộng; mải miết chạy theo Pokemon gây tai nạn cho người khác; trốn làm, bỏ học để săn Pokemon, hay dữ liệu bản đồ ở Việt Nam đã bị phá hoại nghiêm trọng bởi những người chơi tự đổi tên các vị trí…

Chưa đầy 1 tuần xuất hiện tại Việt Nam, Pokemon Go đã cho thấy, đây không đơn thuần chỉ là game giải trí.

Game ảo, lo thực

Có mặt tại Việt Nam chính thức từ ngày 6/8, Pokemon Go của hãng Nintendo (Nhật Bản) lập tức tạo nên một “cơn sốt” về lượng người chơi. Sức hấp dẫn của công nghệ thực tế ảo trong trò chơi này là ở chỗ, người chơi săn tìm các con thú ảo ngay trong thế giới thật, với bản đồ đường phố thật và môi trường thật xung quanh.

Việc di chuyển, đi lại trên đường, tìm mọi nơi để bắt những con thú sẽ đem lại cảm giác phiêu lưu y như thật cho người chơi. Bắt Pokemon có ở không ít trò chơi, nhưng tương tác với thế giới thật thì mới chỉ có Pokemon Go.

Nhiều tình huống bi, hài đã xảy ra với người chơi khi đi tìm, bắt các loại Pokemon hiếm. Một quán cafe được định danh trên bản đồ Pokemon Go sẽ bất đắc dĩ bị hàng trăm người dừng xe trước cửa để lấy bóng Pokemon.

Một ngôi nhà bình thường cũng bất ngờ bị một người khách lạ gõ cửa để bắt con Pokemon hiếm trong nhà. Hoạt động của nhiều công sở, trường học bị ảnh hưởng tiêu cực khi một số người chơi cắt xén 8 giờ vàng ngọc để bắt Pokemon...

Thậm chí, trong mấy ngày qua, tại Hà Nội, cơ quan công an đã xử phạt một số game thủ vừa điều khiển xe máy tham gia giao thông, vừa mải mê bắt Pokemon.

Nghiêm trọng hơn, mới đây Google Map Maker Việt Nam (những người làm bản đồ Google tại Việt Nam) đã phải viết thư ngỏ gửi cộng đồng người chơi Pokemon Go Việt Nam.

Theo đó, dữ liệu bản đồ ở Việt Nam đã bị phá hoại nghiêm trọng bởi những người chơi Pokemon tự ý đổi tên các vị trí để đặt Pokestop và Pokegym (nơi để lấy bóng Pokemon và luyện tập Pokemon).

Do người chơi sẽ phải trực tiếp di chuyển tới những dạng địa hình, địa điểm đặc thù để bắt những loại Pokemon đặc thù nên rất nhiều người chơi đã lách luật bằng cách tự tạo địa điểm ảo.

Họ chuyển những địa điểm đó về gần nhà, trường học, nơi làm việc để tiện cho việc chơi. Điều này làm nguồn dữ liệu bản đồ của Google trở nên loạn.

Không chỉ riêng tại Việt Nam, nhiều quốc gia Pokemon Go đang gây sốt đã ghi nhận tai nạn mà người chơi gặp phải như một chàng trai ở Hong Kong rơi xuống sông, hai game thủ Mỹ gặp tai nạn khi bắt Pokemon tại vách đá ở bờ biển thuộc quận San Diego, bang California hay một thanh niên đã gây ra vụ tai nạn giao thông tồi tệ khi dừng ô tô giữa đường cao tốc ở Massachusetts (Mỹ) chỉ để bắt một con Pikachu. Giao thông ở Việt Nam vốn đã đông đúc, phức tạp.

Vì vậy, vấn đề an toàn mà người chơi Pokemon Go có thể gây ra cho những người tham gia giao thông lại càng đáng lo ngại.

Không đơn thuần là giải trí

Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều mặt trái tương tự khi người trẻ tiếp cận những công nghệ mới, những phát minh của thời đại. Đó là chuyện “chat sex” khi Yahoo Messenger vào Việt Nam.

Đó là chuyện các tài khoản Facebook Việt Nam vào khuấy tung các Fanpage của ngôi sao thế giới. Đó là chuyện đổi “tình” lấy “quần áo” cho nhân vật trong Game khi trò chơi Audition làm mưa làm gió… Vô vàn dẫn chứng để thấy, những tiêu cực của Pokemon Go hiện nay không phải là điều khó hiểu.

PGS.TS. Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho biết, mới đây, khi xem một chương trình truyền hình đưa tin về các bạn trẻ cầm điện thoại vô thức đuổi theo một con vật ảo Pokemon, ông đã phải thốt lên rằng: “Bảo hoàng hơn vua”.

Tức là, thấy người ta lao vào việc gì, mình cũng lao vào cho giống người khác. Con người trở nên không có tính chủ động, tự chủ để biết nên chọn lựa cái gì và không chọn lựa cái gì phù hợp với bản thân.

Bản thân game hay nhà sản xuất game không có lỗi. Chính người chơi mới làm nên những tình huống đáng tiếc ở trên. Chơi game mà lẫn lộn giữa nhân vật ảo với đời sống thực thì không còn là hình thức giải trí đơn thuần nữa.

Nhiều nước trên thế giới lẫn công ty phát hành Pokemon Go đã đưa ra khuyến cáo “không chơi Pokemon Go trong khi đang lái xe, luôn cẩn trọng và cảnh giác, đề phòng xung quanh”.