Quan hệ Cuba và các tổ chức tài chính quốc tế: Thời khắc đã đến!

Theo daibieunhandan.vn

Trong bối cảnh đang thực hiện khá thành công công cuộc cập nhật mô hình nền kinh tế, cùng với việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Cuba đã gửi đi thông điệp hòa giải và mở cửa. Trên lộ trình ấy, đây là thời điểm thích hợp để Cuba khôi phục các quan hệ cũ, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại sao phải trở lại?

Quốc đảo vùng Caribe này từng là một trong các thành viên sáng lập IMF và WB năm 1944. Tuy nhiên, sau khi hai thể chế tài chính đa phương này bị phương Tây chi phối và nắm quyền kiểm soát, Cuba dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ cách mạng Fidel Castro đã cắt đứt quan hệ với IMF và WB năm 1964.

Bên cạnh lệnh cấm vận, việc đứng ngoài các thể chế tài chính quốc tế là một trong những yếu tố cản trở sự thành công của các kế hoạch cải cách kinh tế, cũng như sự phát triển dài hạn của hòn đảo tự do. Việc cắt đứt quan hệ với IMF và WB khiến Cuba không thể tiếp cận các thị trường tài chính quốc tế, nói cách khác, là không có khả năng huy động dự trữ, tiết kiệm từ bên ngoài cho các dự án đầu tư trên lãnh thổ Cuba.

IMF có chức năng chính là bảo đảm hệ thống tiền tệ quốc tế và giao dịch giữa các quốc gia được vận hành tốt; hạn chế và khắc phục hậu quả những cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán tại các nước thành viên. Bên cạnh đó là các thể chế vận hành như những ngân hàng phát triển, như WB, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ, Quỹ Phát triển Andes, với nhiệm vụ cơ bản là cấp vốn vay ưu đãi cho các dự án phát triển có ý nghĩa kinh tế và xã hội to lớn, trong đó đáng chú ý là các dự án về hạ tầng cơ sở và dịch vụ xã hội, như hệ thống cấp nước và đường sá.

Việc gia nhập các tổ chức này sẽ xóa bỏ một trong những “vết đen” từng mang lại thiệt hại to lớn cho Cuba. Nền kinh tế Cuba đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lệnh cấm vận của Mỹ, được thực hiện từ năm 1961. Việc tham gia IMF và WB sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài có thể tận dụng cơ hội khi Cuba mở cửa. Terry Maris, người từng đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Cuba thuộc Đại học Bắc Ohio, đánh giá: “Đây sẽ là điều tốt đối với Cuba. Cuba không có đủ cơ sở hạ tầng, các dự án sẽ phải tốn tới hàng tỷ USD và số tiền này không thể có được chỉ sau một đêm. Cuba hiện đã ổn định để thu hút đầu tư nước ngoài”.

Thời điểm chín muồi

Hiện Cuba và các thể chế tài chính đa phương đang có những điều kiện thuận lợi để gây dựng lại quan hệ. Thế hệ lãnh đạo mới của Cuba đang tích cực triển khai lộ trình cập nhật mô hình nền kinh tế, cho thấy cái nhìn cởi mở và sự thay đổi trong tư duy. Richard Feinberg, từng là cố vấn về chính sách đối với khu vực Mỹ Latin của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho rằng, Cuba đã có thái độ cởi mở hơn về việc tham gia nền kinh tế toàn cầu, họ thực sự háo hức muốn làm vậy và điều đó sẽ dẫn tới việc bình thường hóa quan hệ với các tổ chức quốc tế lớn. Chính phủ Cuba đã triển khai một loạt chính sách mới, trong đó có quyết định cho phép người dân nước này được thuê nhà ở, cơ sở kinh doanh, kho bãi do các công ty bất động sản thuộc nhà nước quản lý, đồng thời từng bước chuyển giao toàn bộ các cơ sở kinh doanh ẩm thực và quán cà phê của nhà nước cho tư nhân và các hợp tác xã nhằm thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động của thành phần kinh tế tự doanh và các mô hình quản lý ngoài quốc doanh khác. Bên cạnh đó, Cuba đưa vào thực thi Luật Đầu tư nước ngoài mới, cho phép đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực vốn bị hạn chế trước kia với hệ thống thuế ưu đãi.

Thêm vào đó, Chủ tịch Raúl Castro đã xem xét chi tiêu cẩn trọng hơn và một chính sách tài chính đối ngoại mới hướng tới việc bình thường hóa quan hệ với các quốc gia chủ nợ với ba mục tiêu: tạo uy tín cho Cuba trên thị trường tài chính quốc tế, mở ra khả năng tiếp cận các khoản tín dụng mới và khuyến khích đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn 2010 - 2014, mỗi năm Cuba đã sử dụng khoảng 3,224 tỷ USD, tương đương khoảng 4,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), để trả lãi và các khoản nợ đáo hạn và năm nay La Habana nâng con số này lên mức 5,661 tỷ USD. Như vậy, có thể tạm kết luận La Habana đang xích lại gần hơn với các thể chế tài chính quốc tế và các chủ nợ trong CLB Paris vừa qua - một bước đi đã được tính toán trong chiến lược kinh tế mới của Cuba, nhằm thực hiện quá trình toàn cầu hóa về kinh tế - thương mại.

Tiến trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ cũng đang mang lại một diện mạo mới cho quan hệ đối ngoại của Cuba. Khi Cuba đệ đơn gia nhập IMF, điều quan trọng là Washington, cổ đông lớn nhất của IMF nghĩ gì. Mặc dù vẫn tồn tại những quy chế ràng buộc quan điểm chính thức của Washington về quyết định của La Habana đối với các tổ chức tài chính quốc tế, song theo các nhà phân tích, Chính phủ Mỹ sẽ không tìm cách cản trở Cuba gia nhập các thể chế trên. Nhờ những thành tựu đối ngoại của mình, Cuba giờ đây có vốn liếng chính trị quốc tế đủ để nhận được sự ủng hộ để từng bước gia nhập trở lại các thể chế đa phương trên.