Bộ Tài chính:
Họp báo về quản lý nợ công và quản lý điều hành giá sữa
(Taichinh) -Ngày 14/5/2015, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo với 2 chuyên đề “ Một số nội dung liên quan đến Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nợ công” và “Công tác quản lý, điều hành giá sữa trong thời gian qua và biện pháp quản lý giá trong thời gian tới”.
Bên cạnh đó, việc công khai về nợ công đã bước đầu đi vào nề nếp, tạo được kênh thông tin quan trọng phục vụ cho việc phân tích, đánh giá, nghiên cứu về vấn đề nợ công.
Tuy nhiên, báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế nhất định, tập trung vào một số vấn đề như: Nợ công đang tăng nhanh, cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững; Công tác quản lý nợ công còn phân tán, thiếu sự phối hợp đồng bộ; Việc huy động, sử dụng vốn vay còn dàn trải, chưa gắn kết chặt chẽ với các hạn mức nợ công. Việc kiểm tra, thanh tra, kiểm chưa được thường xuyên; Tổ chức thực hiện một số dự án còn bất cập; Nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án hoàn thành nhưng không đạt mục tiêu đề ra...
Để từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Nội dung Chỉ thị này chủ yếu tập trung vào việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, cụ thể: Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo trong giới hạn cho phép; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; Khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công. Tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ; Quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh. Cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.
Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi xoay quanh lĩnh vực quản lý nợ công như: phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế; cơ cấu lại nợ công; tỷ lệ nợ công hiện nay và khả năng trả nợ công của Việt Nam; những giải pháp trong thời gian tới để nợ công an toàn và hiệu quả hơn... từ phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đã được đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Vụ Tài chính Ngân hàng, Vụ Ngân sách Nhà nước, Kho bạc Nhà nước... giải đáp.
Đối với công tác quản lý, điều hành giá sữa, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết: Thực hiện Nghị Quyết số 29/NQ-CP ngày 02/5/2014 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 4, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Công Thương ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi có hiệu lực từ ngày 1/6/2014. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 6544/BTC-QLG ngày 20/5/2014 về việc hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.
Theo đó, Nhà nước thực hiện bình ổn giá sản phẩm sữa bằng 02 biện pháp: Quản lý giá tối đa đối với sản phẩm sữa trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Quyết định 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 có hiệu lực (01/6/2014) và đăng ký giá đối với sản phẩm sữa trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Quyết định 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 có hiệu lực (01/6/2014).
Qua triển khai thực hiện có thể thấy: Về cơ bản UBND, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa đã thực hiện nghiêm túc chủ trương bình ổn giá sữa của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tính đến nay, cơ quan quản lý giá từ trung ương đến địa phương đã rà soát, công bố công khai giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai của 708 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Giá bán lẻ giảm từ 0,1% - 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá, qua đó cơ bản ổn định giá sữa liên tục trong thời gian 12 tháng.
Hiện nay, qua nắm bắt thông tin và báo cáo của các địa phương, mức giá bán lẻ của một số sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi trên thị trường đã giảm so với mức giá trước đó với tỷ lệ giảm 1-5,5%.
Báo cáo của Cục Quản lý giá cũng chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý giá sữa như: Nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định và có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa; Thông tin để so sánh sản phẩm cùng loại tại các thị trường trong khu vực ASEAN còn rất hạn chế; Đây là lần đầu áp dụng biện pháp xác định giá tối đa đối với mặt hàng có nhiều chủng loại khác nhau, nhiều doanh nghiệp tham gia nên việc triển khai biện pháp giá tối đa còn có vướng mắc khi thực hiện đến khâu bán lẻ.
Báo cáo khẳng định, tuy vẫn còn khó khăn hạn chế song kết quả thực hiện Nghị quyết 29/NQ-CP của Chính phủ là rõ ràng, cụ thể. Qua đó nhận được sự đồng thuận của cả doanh nghiệp-người tiêu dùng, được dư luận xã hội đánh giá cao và mong muốn giá sữa tiếp tục được bình ổn. Mục tiêu bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên phải tiếp tục được củng cố để bảo đảm sự bền vững.
Bên cạnh việc giải đáp các câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí liên quan đến công tác quản lý giá sữa, Cục Quản lý giá cũng đưa ra các biện pháp quản lý giá sữa trong thời gian tới và kế hoạch phối hợp tổ chức thực hiện nhằm đạt kết quả tốt nhất đối với công tác quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đang được dư luận và người tiêu dùng đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.