Quản lý hiệu quả chỉ dẫn địa lý: Gia tăng cơ hội xuất khẩu
Sản phẩm có chỉ dẫn địa lý sẽ gia tăng được cơ hội xuất khẩu, dễ dàng tiếp cận được những thị trường khó tính, nhất là với thị trường EU. Tuy nhiên, việc nhận thức và quản lý chỉ dẫn địa lý hiện vẫn còn nhiều bất cập cần sớm có giải pháp hữu hiệu.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Trần Việt Thanh, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm chất lượng mang đặc trưng vùng miền, và có 47 sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới chỉ có duy nhất một sản phẩm nước mắm Phú Quốc được cấp chỉ dẫn địa lý tại châu Âu, trong số 7.000 chỉ dẫn địa lý đã được cấp tại thị trường này. Trong khi đó, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý đồng nghĩa với việc sản phẩm đó được công nhận về mặt chất lượng cũng như thương hiệu, do vậy thường có sức cạnh tranh cao hơn các sản phẩm thông thường khác.
Ông Trần Việt Thanh cho rằng, việc nhận thức và quản lý chỉ dẫn địa lý còn bất cập, thiếu hoạt động quảng bá, do đó cần làm tốt hơn hoạt động kiểm soát chất lượng gắn với chỉ dẫn địa lý.
Trước một thị trường khó tính, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ châu Âu trong việc xây dựng hệ thống kiểm soát chỉ dẫn địa lý, qua đó có điều kiện nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này- ông Trần Việt Thanh nhấn mạnh.
Bà Jana Herceg - Phó Ban kinh tế Thương mại, phái đoàn EU tại Việt Nam - cho biết, với nhiều sản phẩm nổi tiếng như: thanh long, càphê, chè... Việt Nam có khả năng khai thác để hưởng lợi lớn từ việc đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhưng để các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật để vào thị trường EU thì Việt Nam cần xác lập một hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia khi xem xét và công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Hiện nay, thị trường châu Âu (EU) đang rất ủng hộ sản phẩm của Việt Nam có chỉ dẫn địa lý được đăng ký ở EU để xuất vào thị trường này. Đây cũng là một trong những vấn đề được đưa ra trong tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam -EU- Bà Jana Herceg khẳng định.
Theo ông Đào Đức Huấn - Giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Phát triển chiến lược nông nghiệp nông thôn, một trong những khó khăn trong việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam hiện nay là tập hợp được những nhà sản xuất lại với nhau.
Không ít nhà sản xuất hay nông dân do không hiểu hết giá trị của bảo hộ mang lại nên đã không hợp tác tích cực, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến việc hình thành các sản phẩm mang đặc trưng riêng của một vùng. Hơn nữa, việc các chỉ dẫn địa lý được khai thác và giám sát lỏng lẻo đã dẫn đến nạn giả nhái các chỉ dẫn địa lý diễn ra ở nhiều nơi. Trên thực tế, nhiều chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã bị đánh cắp ở nước ngoài.
Tại Hội thảo “Chỉ dẫn địa lý và những cam kết trong khuôn khổ hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu” tại Hà Nội vừa qua , đa số ý kiến cho rằng, cần tăng cường khâu quản lý, kiểm soát về chất lượng đối với các sản phẩm, dịch vụ mang chỉ dẫn địa lý.
Theo kinh nghiệm của EU, để quản lý hiệu quả một sản phẩm có chỉ dẫn địa lý đã được đăng bạ và bảo hộ, cần có sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp - quản lý tự động, hiệp hội ngành hàng -kiểm soát trong và cơ quan quản lý địa phương -kiểm soát ngoài.
Hơn nữa, cần tổ chức một cơ quan chứng nhận chất lượng độc lập tại địa phương nhằm đảm bảo sự khách quan trong việc chứng nhận chất lượng của hệ thống quản lý này.
Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực vào năm 2018, EU sẽ công nhận 39 sản phẩm đăng ký chỉ dẫn địa lý (GI) của Việt Nam, qua đó tạo điều kiện cho sản phẩm của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu tại thị trường này.