Quản lý hoàn thuế hướng tới doanh nghiệp
Thời gian qua, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có sự thay đổi cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong việc hoàn thuế Giá trị gia tăng.
Giải quyết lượng lớn hồ sơ đề nghị hoàn
Năm vừa qua, công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho doanh nghiệp của cơ quan Thuế đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 11/2016, tổng số hồ sơ đề nghị hoàn (bao gồm các hồ sơ tiếp nhận năm 2015 chuyển sang và tiếp nhận mới trong 11 tháng của năm 2016) là hơn 24,1 nghìn hồ sơ. Số hồ sơ đã giải quyết hoàn thuế GTGT của cơ quan Thuế là hơn 19,2 nghìn hồ sơ với số tiền thuế giải quyết hoàn là 88,3 nghìn tỷ đồng. Con số này chiếm tỷ trọng 71,46% số thuế đề nghị hoàn của doanh nghiệp (tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2015, bằng 100,1% năm 2015).
Theo Tổng cục Thuế, năm 2016, với việc ra đời của Luật số 106/2016/QH13 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế) và Thông tư số 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý hoàn thuế GTGT, có nhiều chính sách, quản lý hoàn thuế GTGT được ban hành theo hướng hạn chế các trường hợp được hoàn thuế, quản lý chặt chẽ hơn, công tác quản lý hoàn thuế đã đi vào thực chất, thực hiện hoàn đúng đối tượng, đúng số tiền cho người nộp thuế. Các cục thuế đã có nhiều nỗ lực và biện pháp quản lý chặt chẽ hoàn thuế GTGT, công tác kiểm tra hồ sơ trước khi giải quyết hoàn thuế đạt hiệu quả cao, loại ra khỏi số thuế được hoàn 18.029 tỷ đồng, góp phần ngăn chặn gian lận về hoàn thuế GTGT.
Nhận định về những thay đổi tích cực trong công tác hoàn thuế GTGT của cơ quan Thuế trong thời gian qua, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ tư vấn WCO cho biết, đến nay các trình tự thực hiện kê khai hoàn thuế đã có nhiều thuận lợi từ khâu lập, gửi hồ sơ, tiếp nhận, phân loại hồ sơ, xác định số thuế được hoàn cũng như quy định về việc bù trừ số thuế được hoàn với số thuế còn nợ và công khai thông tin giải quyết hoàn thuế. Chỉ cần có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ rõ ràng thì việc yêu cầu hoàn thuế của doanh nghiệp có thể tiến hành nhanh chóng. Đồng thời, với những quy định mới về minh bạch và công khai thông tin, doanh nghiệp còn có thể giám sát ngược cơ quan, công chức thuế trong quá trình hoàn thuế.
Nhiều đại lý thuế cũng phản ánh rằng, hiện các cục thuế đã thực hiện tốt công tác triển khai, hỗ trợ kịp thời về chính sách thuế cho các doanh nghiệp từ bộ phận tiếp nhận, phân loại, kiểm tra hồ sơ, nên người nộp thuế đã có ý thức cao trong việc chấp hành ngay từ công tác kê khai thuế đảm bảo chính xác và đúng quy định, số liệu chính xác hơn nhiều so với trước đây. Cán bộ Thuế hầu như thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, không có tình trạng cố tình hạch sách, làm khó người nộp thuế.
Quản lý hoàn thuế theo phương pháp rủi ro
Dù công tác hoàn thuế GTGT đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, đại diện Vụ Kê khai và kế toán Thuế, Tổng cục Thuế thừa nhận, thực tế cho thấy công tác hoàn thuế vẫn luôn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn của một số doanh nghiệp, đặc biệt các gian lận nổi lên trong thời gian qua về mua bán hoá đơn GTGT, làm giả hợp đồng, chứng từ thanh toán...
Bên cạnh đó, việc giải quyết hoàn thuế tại một số cơ quan Thuế còn chậm so với quy định, nhất là thời gian thực hiện kiểm tra, thanh tra trước và sau hoàn thuế. Quá trình kiểm tra, thanh tra có dấu hiệu nghi vấn nhưng không có biện pháp giải quyết dứt điểm, thời gian chờ xác minh thông tin còn kéo dài, không có thời điểm rõ ràng, gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Một hạn chế nữa trong công tác hoàn thuế GTGT đó là những vướng mắc về cơ chế chính sách. Theo lãnh đạo Cục Thuế Nghệ An, khi Luật số 106/2016/QH13 và Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 16/9/2016 của Bộ Tài chính thay đổi chính sách hoàn thuế có hiệu lực thi hành, với những thay đổi đáng kể về cơ chế chính sách dẫn đến việc cơ quan Thuế còn lúng túng trong công tác triển khai, hướng dẫn cũng như giải quyết hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế.
Cụ thể như việc xác định số thuế được hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu đối với người nộp thuế vừa có hoạt động xuất khẩu vừa có hoạt động bán ra trong nước; xác định giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng đối với trường hợp sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản; xác định nguồn gốc hàng hoá để xuất khẩu qua nhiều khâu trung gian (là hàng nhập khẩu hay hàng sản xuất trong nước)….
Đây cũng là khó khăn chung mà nhiều cơ quan Thuế đang gặp phải. Để khắc phục những tồn tại này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, tới đây, cơ quan Thuế sẽ tiến hành sửa đổi, ban hành quy trình hoàn thuế GTGT thay thế Quy trình 905 theo Quyết định 905/QĐ-TCT để phù hợp với yêu cầu quản lý thuế mới, gắn công tác quản lý hoàn thuế GTGT với ứng dụng công nghệ thông tin và dựa trên cơ sở dữ liệu quản lý thuế của ngành.
Quy trình mới sẽ quy định rõ trình tự giải quyết, thẩm quyền giải quyết, các bước công việc và trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình giải quyết hoàn thuế GTGT, với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan Thuế cấp trên đối với cơ quan Thuế cấp dưới, sự giám sát tự động của ứng dụng công nghệ thông tin.
Đặc biệt, trong năm nay, ngành Thuế sẽ triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí và chỉ số phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế GTGT. Việc thí điểm này sẽ được thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố từ tháng 4/2017, từ đó đánh giá, hoàn thiện Bộ tiêu chí và chỉ số để triển khai rộng trên toàn quốc. Mục tiêu của kế hoạch đề ra nhằm đảm bảo 80% hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau; 20% hồ sơ có rủi ro cao thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau; ít nhất 20% hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau được thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, năm 2017 cơ quan này sẽ tiếp tục nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng quy trình hoàn thuế, quy trình kiểm tra, thanh tra liên quan đến trước và sau hoàn thuế theo hướng chặt chẽ, có tính kiểm soát tự động và dựa trên cơ sở dữ liệu thông tin về quản lý thuế của ngành như: Nâng cấp tiêu chí thực hiện giám sát hoàn thuế tự động trên hệ thống ứng dụng quản lý tập trung của ngành Thuế nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ trong quản lý và yêu cầu nghiệp vụ; hoàn thiện cơ sở dữ liệu, và hồ sơ quản lý đối với DN hoàn trọng điểm, đưa thông tin vào hệ thống quản lý tập trung (TMS) của ngành thuế để phục vụ cho công tác hoàn thuế GTGT.