Quản lý ngân sách địa phương tại tỉnh Bắc Giang
Trong những năm qua, công tác quản lý ngân sách nhà nước của tỉnh Bắc Giang đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý ngân sách nhà nước của Tỉnh cũng còn những tồn tại, bất cập đặt ra cần giải quyết. Bài viết khảo sát thực trạng về công tác quản lý ngân sách nhà nước và đưa ra một số giải pháp gắn với tình hình thực tiễn công tác quản lý ngân sách nhà nước tại Bắc Giang.
Đặt vấn đề
Ngân sách cấp tỉnh là một cấp ngân sách có vai trò trong hệ thống NSNN. Việc tổ chức, quản lý ngân sách địa phương (NSĐP) ở cấp tỉnh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết được những vấn đề bức thiết của xã hội trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc. Tăng cường công tác quản lý NSNN là nhiệm vụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN, tạo niềm tin cho nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước.
Tỉnh Bắc Giang đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu về chỉ tiêu GRDP/người của vùng Trung du và miền núi phía Bắc và bằng 90 - 95% mức trung bình của cả nước. Để hiện thực hóa mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ quan trọng là nâng cao hiệu quả công tác quản lý NSNN tại địa phương.
Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng các phương pháp nghiên cứu thu thập số liệu, tài liệu và phương pháp xử lý, phân tích số liệu, tài liệu. Cụ thể như:
- Phương pháp thu thập số liệu, tài liệu: Khảo sát hệ thống quản lý ngân sách và hệ thống cơ sở dữ liệu về dự toán và tình hình thực hiện dự toán NSNN của tỉnh Bắc Giang; kế thừa các báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề về công tác quản lý NSNN của các cơ quan quản lý tỉnh Bắc Giang.
- Phương pháp xử lý, phân tích số liệu, tài liệu: Tổng hợp và phân tích số liệu ban đầu bằng cách tính toán các chỉ tiêu thống kê thể hiện các trị số đặc trưng của hệ thống dữ liệu liên quan đến công tác quản lý NSNN trên địa bàn nghiên cứu.
Nội dung nghiên cứu
Nội dung tập trung nghiên cứu về công tác quản lý NSNN cấp tỉnh, cụ thể:
- NSNN là toàn bộ các khoản thu - chi của Nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm nhằm đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.
- NSNN phản ánh các quan hệ kinh tế phát sinh gắn liền với quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước khi Nhà nước tham gia phân phối các nguồn tài chính quốc gia.
NSNN có 2 chức năng chính (phân phối và điều chỉnh kiểm soát). Hiện nay, hệ thống NSNN ở Việt Nam bao gồm: Ngân sách Trung ương (NSTW) và NSĐP. NSĐP được chia thành các cấp: Ngân sách cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ngân sách cấp huyện, thị xã trực thuộc tỉnh; ngân sách cấp xã, phường, thị trấn.
Quản lý ngân sách cấp tỉnh gồm các nội dung chủ yếu: Quản lý công tác lập dự toán NSNN cấp tỉnh; Quản lý công tác thanh toán, quyết toán NSNN cấp tỉnh; Quản lý công tác kiểm tra, thanh tra NSNN cấp tỉnh.
Thực trạng công tác quản lý ngân sách nhà nước tại Bắc Giang
Công tác lập dự toán ngân sách nhà nước
Sau khi nhận được quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách hàng năm của UBND Tỉnh, Sở Tài chính có trách nhiệm lập dự toán thu, chi NSNN trên địa bàn để báo cáo UBND Tỉnh. Sau đó, UBND Tỉnh trình HĐND để thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN của HĐND Tỉnh. Sau khi dự toán được duyệt, UBND Tỉnh sẽ phân bổ dự toán thu, chi NSNN cho các sở, ngành, huyện trực thuộc.
Nhìn chung, công tác lập và phân bổ dự toán NSNN của tỉnh Bắc Giang đã thực hiện đúng thời gian quy định, đúng quy trình và giao dự toán của Luật NSNN. Tuy nhiên, chất lượng của công tác lập dự toán của tỉnh Bắc Giang chưa cao, số liệu dự toán chủ yếu do các cơ quan, đơn vị địa phương ước số thực hiện năm trước và tăng thêm một tỷ lệ nhất định cho năm kế hoạch để lập dự toán cho năm sau trong thời kỳ ổn định ngân sách.
Kết quả chấp hành dự toán ngân sách nhà nước
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, thách thức, việc triển khai các chính sách thuế hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian qua đã tạo áp lực lớn cho công tác điều hành thu ngân sách của cả nước nói chung và của tỉnh Bắc Giang nói riêng.
- Về thu NSNN: Năm 2017, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt khoảng 5.302 tỷ đồng (trong đó, thu tiền sử dụng đất 1.546, 6 tỷ đồng; thu từ thuế xuất nhập khẩu đạt 810,9 tỷ đồng), bằng 93,1% dự toán Tỉnh giao. Thu nội địa đạt 3.491 tỷ đồng, bằng 90,4% dự toán. Một số lĩnh vực thu đạt khá như thu phí, lệ phí đạt 91,8%; thu tiền sử dụng đất đạt 140,6%, thu tiền thuê đất đạt 181,6%.
- Về chi NSNN: Năm 2017, chi ngân sách của tỉnh Bắc Giang ước đạt khoảng 9.741 tỷ đồng, bằng 73,8% dự toán. Trong đó, chi cân đối NSĐP đạt 7.326,3 tỷ đồng, bằng 74,5% dự toán. Chi từ nguồn bổ sung mục tiêu tử NSTW cho NSĐP đạt 409,9 tỷ đồng, bằng 48,7 dự toán, bằng 94,2% so cùng kỳ năm trước; Chi các chương trình dự án quan trọng vốn đầu tư 260,3 tỷ đồng, bằng 73,2% dự toán, bằng 80,8% so cùng kỳ năm 2016.
Công tác quyết toán ngân sách nhà nước
Công tác quyết toán NSNN được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua được thực hiện đúng theo quy trình của luật định (quyết toán từ cấp dưới đến cấp trên sau đó tổng hợp quyết toán là Sở Tài chính). Số liệu quyết toán sau khi được tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh để trình HĐND Tỉnh phê duyệt. Về cơ bản, báo cáo quyết toán đảm bảo được các yêu cầu cơ bản của công tác quản lý NSNN. Hoạt động thu, chi nhìn chung bám sát dự toán, đúng chế độ chính sách của Nhà nước, đảm bảo tính công khai, minh bạch và đúng quy định của Luật NSNN.
Một số tồn tại, hạn chế
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong một số lĩnh vực, nhất là đầu tư xây dựng cơ bản, trong bố trí sử dụng CBCC… chưa được hoàn thiện thiếu đồng bộ, nhiều tiêu chuẩn, chế độ, định mức kinh tế - kỹ thuật trong các lĩnh vực không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa theo kịp yêu cầu thực tế. Việc thực hiện công khai, minh bạch chưa đi vào nề nếp, làm hạn chế hiệu quả giám sát của các tổ chức, đoàn thể quần chúng và nhân dân. Công tác hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho các đơn vị chưa được thường xuyên.
- Việc chấp hành chế độ chính sách về quản lý tài chính của một số chủ tài khoản, kế toán chưa được triển khai thực hiện nghiêm túc. Trình độ cán bộ làm công tác kế toán của một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhận thức của một số chủ tài khoản trong công tác quản lý còn chưa thay đổi. Một số đơn vị được giao làm chủ đầu tư, cán bộ giám sát công trình còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý ngân sách nhà nước tại Bắc Giang
Để nâng cao hiệu quả quản lý NSNN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, cần quan tâm đến một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường đẩy mạnh công khai NSNN trên địa bàn Tỉnh. Công khai tài chính NSNN là một nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách ngân sách nhằm đánh giá, kiểm tra, quản lý ngân sách tập trung, khách quan. Đây là giải pháp không thể thiếu của hoạt động NSNN nhằm tạo điều kiện cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội và nhân dân trong phân bổ và sử dụng NSNN các cấp, góp phần thực hiện chính sách tiết kiệm, chống lãng phí, phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính.
Về công khai phải đảm bảo thực hiện quy trình dân chủ, đảm bảo các yêu cầu về thể thức, công khai theo quy định (phát hành ấn phẩm, niêm yết công khai tại nơi quy định, thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan)…
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện quy trình lập và quyết toán NSNN. Theo đó, cần tập trung vào nội dung sau:
Nội dung dự toán phải đảm bảo yêu cầu phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chủ động trong điều hành ngân sách. Về thu NSNN, cần đưa ra dự báo sát với sự biến động các nguồn thu, sự thay đổi của cơ chế chính sách có ảnh hưởng đến thu NSNN, chú trọng khai thác các nguồn thu tiềm năng. Về chi NSNN, cần xác định rõ những khoản chi trọng điểm, thứ tự ưu tiên các khoản chi, kiên quyết loại bỏ những khoản chi bao cấp, bất hợp lý. Việc chấp hành NSNN cần thực hiện trên nguyên tắc cấp phát thanh toán trực tiếp qua hệ thống Kho bạc Nhà nước cho các đối tượng sử dụng ngân sách.
Trong quá trình quyết toán ngân sách, cần kiểm kê, sao kê đối chiếu toàn bộ tài sản, vật tư, công nợ, tiền mặt, tiền gửi và các loại nguồn quỹ tại đơn vị để xác định số thực có tại thời điểm năm báo cáo. Bảng quyết toán NSNN phải có phần thuyết minh quyết toán gồm các nội dung: Đánh giá tình hình thu - chi NSNN của năm thực hiện so với năm trước và so với dự toán được giao, phân tích cụ thể nguyên nhân tăng, giảm các khoản thu – chi NSNN.
Thứ ba, tăng cường quản lý và chống thất thu thuế, nuôi dưỡng và tạo nguồn thu mới. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các cơ quan liên quan để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND Tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Thường xuyên báo cáo tình hình nợ thuế, nợ đọng tiền sử dụng đất, phân tích làm rõ nguyên nhân và đề xuất các biện pháp thu hồi nợ đọng.
Quản lý tốt các nguồn thu thuế, lệ phí ở các xã, phường, thị trấn. Các sở, ban, ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế và giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế do đơn vị quản lý. Đồng thời, xây dựng, triển khai kế hoạch thu NSNN ngay từ đầu năm, nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo, rà soát, đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN trên địa bàn Tỉnh, nhất là những nguồn thu mới phát sinh.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý NSNN. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành NSNN, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý NSNN là hết sức cần thiết. Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang cần đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ tin học cho cán bộ các đơn vi dự toán để phục vụ công tác quản lý thu, chi hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử.
Thứ năm, nâng cao trình độ quản lý NSNN. Con người luôn là nhân tố trung tâm có ảnh hưởng quyết định đến hoạt động quản lý và điều hành NSNN. Đào tạo cán bộ, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ của các cơ quan nhà nước, các đơn vị thụ hưởng ngân sách có đủ trình độ triển khai hoàn thành nhiệm vụ mới, tiếp tục thực hiện công tác bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo theo quy định.
Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra tài chính NSNN. Công tác thanh tra tài chính phải được đẩy mạnh để đáp ứng yêu cầu của Nhà nước về quản lý và điều hành NSNN. Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính phải được thực hiện ở tất cả các ngành, cơ quan, đơn vị cơ sở nhằm đảm bảo pháp luật, chế độ tài chính kế toán được chấp hành nghiêm chỉnh, kịp thời phát hiện uốn nắn, xử lý sai phạm.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2002), Luật NSNN số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002;
- Nguyễn Thùy Dương (2007), Hoàn thiện công tác quản lý NSNN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Luận văn Thạc sỹ;
- Phạm Công Hưng (2012), Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chi NSNN ở huyện Thuận Thành, Luận văn Thạc sỹ, Học viện Nông nghiệp Hà Nội;
- Sở Tài chính Bắc Giang (2016), Công văn số 02/BC-STC ngày 07/01/2016 tình hình thu, chi NSNN năm 2015 và xử lý hụt thu cân đối ngân sách cấp tỉnh năm 2015;
- Sở Tài chính Bắc Giang (2017), Công văn số 01/BC-STC ngày 01/01/2017 Tình hình thu, chi NSNN năm 2016 và xử lý hụt thu cân đối ngân sách cấp tỉnh năm 2016;
- Sở Tài chính Bắc Giang (2018), Công văn số 1337/STC-QLNS ngày 07/8/2018 về việc xử lý các khoản chênh lệch thu, chi NSNN cấp tỉnh năm 2017.