Bộ Tài chính giải đáp về quy định đối với mức dư nợ vay của ngân sách địa phương
Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh gửi tới đề nghị xem xét điều chỉnh nâng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không vượt quá khoảng 30% để giúp các tỉnh có điều kiện huy động thêm nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển.
Theo cử tri tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, quy định mức dư nợ của tỉnh không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp là quá thấp, đã ảnh hưởng đến việc huy động phát hành trái phiếu địa phương, vay nhàn rỗi Kho bạc Nhà nước, vay tín dụng bù đắp trong ngắn hạn. Vì vậy, đề nghị xem xét điều chỉnh nâng mức dư nợ vay lên không vượt quá khoảng 30% để giúp các tỉnh có điều kiện huy động thêm nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, tại khoản 6, Điều 7 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 quy định về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương đối với ba trường hợp, cụ thể:
Một là, đối với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Hai là, đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương, không vượt quá 30% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Ba là, đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên của ngân sách địa phương, không vượt quá 20% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Như vậy, đối với tỉnh Hà Tĩnh, là địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương, vì vậy đề nghị tiếp tục thực hiện mức dư nợ vay không vượt quá 20% số thu ngân sách địa phương hưởng theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Việc quy định này nhằm kiểm soát mức dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn, bền vững nợ công.
Mức dư nợ cho từng nhóm địa phương được tính toán thận trọng, phù hợp với khả năng trả nợ và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.