Quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính thế nào?

Hà Anh

Việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt phải đúng mục đích, đúng nội dung, đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo quy định của Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn Luật NSNN.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BTC quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ NSNN bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, kinh phí bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt được bố trí trong dự toán chi NSNN hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương và cơ quan địa phương.

Kinh phí bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt của các Bộ, cơ quan trung ương do ngân sách trung ương bảo đảm. Kinh phí bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp.

Việc quản lý, sử dụng kinh phí NSNN bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt phải đúng mục đích, đúng nội dung, đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo quy định của Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn Luật NSNN và Thông tư này.

Đối với các khoản chi đặc thù, Thông tư nêu rõ, mức chi mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt và tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước (nếu có) và tối đa không quá 5.000.000 đồng.

Riêng đối với xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức chi mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt và tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước (nếu có) và tối đa không quá 50.000.000 đồng.

Trong trường hợp mức chi mua tin vượt mức tối đa nêu trên, thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính quyết định mức chi cụ thể trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao;

Trường hợp trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính không ra quyết định xử phạt, không bán được tang vật tịch thu do tiêu hủy tang vật, chuyển tài sản cho các cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chi phí mua tin không quá 10% giá trị tang vật vi phạm hành chính và tối đa không quá 5.000.000 đồng; đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, chi phí mua tin không quá 10% giá trị tang vật vi phạm hành chính và tối đa không quá 50.000.000 đồng.

Cách xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính theo Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Việc thanh toán chi mua tin phải có đầy đủ chứng từ theo quy định; trường hợp yêu cầu phải giữ bí mật tên người cung cấp tin, việc thanh toán chi phí mua tin căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ chữ ký của người trực tiếp chi tiền cho người cung cấp tin, thủ quỹ, kế toán và Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính.

Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực trong việc thanh toán chi mua tin, đảm bảo chi đúng người, đúng việc và hiệu quả.

Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt thực hiện theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật NSNN.

Cụ thể, lập dự toán thực hiên hàng năm căn cứ vào kết quả thu, chi liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính của năm trước và đánh giá khả năng thực hiện năm hiện hành, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính lập dự toán chi bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt theo các nội dung quy định tại Thông tư này.

Đồng thời, gửi cơ quan chủ quản tổng hợp chung trong dự toán NSNN để gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật NSNN.

Thực hiện quyết toán kinh phí NSNN, các cơ quan, đơn vị được giao dự toán kinh phí NSNN bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt phải mở sổ sách kế toán để ghi chép, hạch toán và tổng hợp trong quyết toán ngân sách hằng năm của các cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về NSNN, kế toán, thống kê.

Ngoài các nội dung trên, Thông tư nêu rõ, các khoản chi từ NSNN bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt được hạch toán, quyết toán vào chương, mục và tiểu mục tương ứng theo quy định mục lục NSNN hiện hành...