Quản lý, sử dụng tài sản công đạt nhiều kết quả quan trọng
6 tháng đầu năm 2024, công tác quản lý, sử dụng tài sản công đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần quản lý, khai thác hiệu quả nguồn lực tài sản công, từ đó giúp nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt đầy đủ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến quản lý, khai thác nguồn lực tài sản công theo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc rà soát, đánh giá, chủ động báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng tài sản công; kịp thời tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành. Chỉ đạo cơ quan tài chính thực hiện nhập, duyệt, chuẩn hoá dữ liệu trong Phần mềm Quản lý tài sản công theo quy định tại Thông tư số 48/2023/TT-BTC ngày 12/7/2023 của Bộ Tài chính...
Bộ Tài chính cũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc theo dõi, hạch toán tài sản công theo đúng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 của Bộ Tài chính; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với công tác quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài sản công; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 06/12/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/3/2023 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 798/QĐ-BTC ngày 05/4/2024 ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 213/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện việc tổng kiểm kê, trong đó lưu ý một số nhiệm vụ như: Thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê; xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm kê; đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và đối tượng khác thuộc phạm vi quản lý thực hiện bảo đảm theo đúng tiến độ; Thực hiện việc báo cáo kết quả kiểm kê, chỉ đạo thực hiện xử lý các nội dung liên quan phát sinh trong quá trình kiểm kê của bộ, ngành, địa phương...
Đặc biệt, để đảm bảo công tác triển khai tổng kiểm kê chính thức trên phạm vi cả nước được hiệu quả, Bộ Tài chính đã triển khai kiểm kê thử nghiệm tại 02 bộ (Bộ Giao thông vận tải; Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính) và 06 địa phương (TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng, tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Quảng Ninh). Thông qua các đợt kiểm kê thử nghiệm, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện các chỉ tiêu, mẫu biểu kiểm kê để chính thức sử dụng trong đợt tổng kiểm kê chính thức.
Đánh giá về công tác quản lý tài sản công, Bộ Tài chính cho biết, công tác quản lý, sử dụng tài sản công từ khi có hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và 6 tháng đầu năm 2024 đã được các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực trong việc triển khai, tổ chức thực hiện và dần đi vào nề nếp, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tiếp tục được hoàn thiện. Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đã xác định rõ đối tượng được giao quản lý, sử dụng đối với mỗi loại tài sản công gắn với quyền và nghĩa vụ của tập thể và cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản công; Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công đồng bộ gắn với trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn định mức trong toàn bộ quá trình quản lý tài sản công; Nâng cao tính công khai trong quản lý, sử dụng tài sản công; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để từng bước nắm chắc, nắm đầy đủ hiện trạng và tình hình biến động của tài sản công…
Đến nay, đã tạo ra cơ chế phân công, phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tính chất quản lý, sử dụng tài sản công, năng lực quản lý của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Quy định về phân cấp quản lý tài sản công được thực hiện xuyên suốt từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đến nay theo nguyên tắc tài sản do cấp nào quản lý thì cấp đó quyết định việc đầu tư, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản...
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho rằng, công tác quản lý tài sản công hiện vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Theo đó, hệ thống pháp luật điều chỉnh về quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là việc khai thác các tài sản công chuyên ngành còn chưa được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Cơ chế phân cấp quản lý tài sản công còn bất cập, dồn nhiều lên cơ quan cấp trên. Việc sắp xếp lại nhà, đất, xe ô tô còn chậm cả ở khâu phê duyệt và tổ chức thực hiện, vi phạm trong quản lý, mua sắm, xử lý tài sản công còn diễn ra. Việc giao tài sản kết cấu hạ tầng cho đối tượng quản lý còn chậm, ảnh hưởng tới công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản...