Quản lý sử dụng tài sản công hiệu quả, tiết kiệm
Năm 2022, Bộ Tài chính đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng tài sản công hiệu quả, tiết kiệm.
Năm 2022, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 154 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương. Lũy kế đến nay, đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 30.632 cơ sở nhà, đất thuộc của các bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu...
Trong năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện văn bản pháp luật về quản lý tài sản công. Cụ thể, đã trình Chính phủ ban hành 02 nghị định, gồm: Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; Nghị định số 90/2022/NĐ-CP ngày 28/10/2022 về quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng ban hành theo thẩm quyền 02 thông tư gồm: Thông tư số 35/2022/NĐ-CP ngày 16/6/2022 quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản cố định; Thông tư số 61/2022/NĐ-CP ngày 05/10/2022 hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Bộ Tài chính cũng đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn về chấp hành pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công như: Công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương về việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; Công điện số 04/CĐ-BTC ngày 28/7/2022 về việc tăng cường công tác sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Công văn hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù theo quy định tại Khoản 7, Điều 17, Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; các cơ chế về quản lý, sử dụng tài sản công. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương thực hiện rà soát, đánh giá chế độ quản lý các loại tài sản kết cấu hạ tầng khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (hạ tầng chợ, văn hóa, thể thao, du lịch, y tế, giáo dục, hạ tầng kỹ thuật) làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng và khai thác đối với các loại tài sản kết cấu hạ tầng này.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý xe ô tô của các doanh nghiệp biếu, tặng; có ý kiến tham gia với Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với dự thảo Đề án “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội phục hồi sau đại dịch COVID-19”.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2023, Bộ sẽ tiếp tục triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực.
Đồng thời, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu...
Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu thầu, mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng tài sản, ngân sách nhà nước.