Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn?
Trước mắt, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung được giữ như hiện trạng. Ủy ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo việc quản lý, vận hành công trình bảo đảm thông suốt, hiệu quả, tránh thất thoát tài sản công cho đến khi các quy định mới được ban hành.
Bộ Tài chính vừa có Công văn số 11004/BTC-QLCS trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa trước Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV. Trước đó, Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Ban Dân nguyện chuyển tới tại Công văn số 223/BDN ngày 15/6/2020.
Theo nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 quy định nhiều nội dung mới về xử lý tài sản công. Do đó, việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung theo quy định tại Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 và Thông tư số 76/2017/TT-BTC ngày 26/7/2017 của Bộ Tài chính có nhiều nội dung không còn phù hợp. Do vậy, cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định mới về quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn hoặc Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thay thế các Thông tư nêu trên để phù hợp với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Về vấn đề cử tri tỉnh Thanh Hóa quan tâm, tại Công văn số 11004/BTC-QLCS, Bộ Tài chính cho biết, triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017, tại Công văn số 5243/VPCP-NN ngày 14/6/2019 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng xây dựng Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Công văn số 5243/VPCP-NN, ngày 18/12/2019, Bộ Tài chính đã có Công văn số 15384/BTC-QLCS (kèm theo dự thảo Tờ trình Chính phủ và Nghị định) gửi xin ý kiến các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ủy ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo việc quản lý, vận hành công trình bảo đảm thông suốt, hiệu quả, tránh thất thoát tài sản công cho đến khi các quy định mới được ban hành và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Công văn số 5517/VPCP-NN ngày 08/7/2020.
Với đặc thù của tài sản là có giá trị không lớn nhưng phân bố rải rác ở tất cả các vùng miền trong cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, trong khi ý kiến tham gia (nhất là của các địa phương) chưa tập trung, các giải pháp đề xuất quản lý có sự khác biệt lớn giữa các địa phương, vùng miền, do vậy, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và các chuyên gia, hoàn thiện lại dự thảo Tờ trình Chính phủ và Nghị định, dự kiến xin lại ý kiến của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổng hợp trình Chính phủ trong tháng 11/2020.
Tuy nhiên, để đảm bảo việc quản lý, vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung không bị gián đoạn, không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch cho người dân trong thời gian Nghị định chưa được ban hành, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5161/BTC-QLCS ngày 28/4/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị trước mắt, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung được giữ như hiện trạng. Ủy ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo việc quản lý, vận hành công trình bảo đảm thông suốt, hiệu quả, tránh thất thoát tài sản công cho đến khi các quy định mới được ban hành và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Công văn số 5517/VPCP-NN ngày 08/7/2020.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính cũng đã có Công văn số 10253/BTC-QLCS ngày 25/8/2020 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5517/VPCP-NN nêu trên.
Hiện nay, theo quy định tại Khoản 4 Điều 75 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, việc thực hiện giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn cho doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quản lý, sử dụng theo hình thức đầu tư vốn vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Việc giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật chuyên ngành về sản xuất, kinh doanh nước sạch và pháp luật có liên quan.