Quản lý vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư như thế nào?
Trước vướng mắc liên quan đến quản lý vốn sự nghiệp kinh tế mang tính chất đầu tư của chủ đầu tư, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Hỏi: Đơn vị của tôi được giao làm chủ đầu tư vốn sự nghiệp mang tính chất đầu tư. Trước đây trong Thông tư 86/2011/TT-BTC có hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, quyết toán nguồn vốn này. Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 08/2016/TT-BTC thay thế Thông Tư 86 nhưng không có phần hướng dẫn này. Vậy chúng tôi thực hiện việc quản lý vốn sự nghiệp kinh tế mang tính chất đầu tư theo Thông tư nào?
Bộ Tài chính giải đáp về vấn đề này như sau:
Ngày 17/6/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 86/2011/TT-BTC quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; tại Muc D của Thông tư đã quy định cụ thể việc quản lý, thanh toán vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư.
Ngày 18/01/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 08/2016/TT-BTC quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; tại Khoản 1 Điều 21 của Thông tư quy định:
Điều 21. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 3 năm 2016. Thông tư này thay thế các nội dung quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước tại Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Ngày 02/10/2012, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 161/2012/TT-BTC quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các Khoản chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước và ngày 01/3/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 39/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các Khoản chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước; tại Khoản 7 Điều 1 của Thông tư quy định:
"7. Bổ sung Điều 8a như sau:
Điều 8a. Hồ sơ tạm ứng, thanh toán vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư
1. Tạm ứng, thanh toán vốn đối với các dự án có tổng mức vốn từ 1 tỷ đồng trở lên.
Đối với các dự án có tổng mức vốn từ 01 tỷ đồng trở lên, việc quản lý, kiểm soát tạm ứng, thanh toán vốn thực hiện theo quy định tại Thông tư hướng dẫn về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN của Bộ Tài chính (Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính). Riêng đối với Quyết định đầu tư và Báo cáo Kinh tế kỹ thuật của các dự án thì không bắt buộc phê duyệt trước 31 tháng 10 năm trước năm kế hoạch.
2. Tạm ứng, thanh toán vốn đối với các dự án có tổng mức vốn dưới 1 tỷ đồng
2.1. Mức tạm ứng: Thực hiện theo đúng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 161/2012/TT-BTC đã được sửa đổi tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư này.
2.2. Hồ sơ tạm ứng, thanh toán vốn:
a) Hồ sơ gửi lần đầu bao gồm:
- Báo cáo kinh tế-kỹ thuật và quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế-kỹ thuật (không bắt buộc phê duyệt trước 31 tháng 10 năm trước năm kế hoạch) hoặc Quyết định phê duyệt thiết kế-dự toán;
- Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Hợp đồng mua sắm hàng hóa, dịch vụ đối với Khoản chi có giá trị hợp đồng từ hai mươi triệu đồng trở lên.
b) Hồ sơ tạm ứng bao gồm:
- Đối với các đề nghị tạm ứng bằng tiền mặt: Giấy rút dự toán (tạm ứng), trong đó ghi rõ nội dung tạm ứng để KBNN có căn cứ kiểm soát và theo dõi khi thanh toán. Các Khoản chi tạm ứng tiền mặt phải đúng theo quy định tại Điều 5 và Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 164/2011/TT-BTC và các Khoản chi có cơ chế hướng dẫn riêng được phép chi bằng tiền mặt;
- Đối với các đề nghị tạm ứng bằng chuyển Khoản:
+ Giấy rút dự toán (tạm ứng), trong đó ghi rõ nội dung tạm ứng để KBNN có căn cứ kiểm soát.
+ Đối với những Khoản chi không có hợp đồng và đối với những Khoản chi có giá trị hợp đồng dưới hai mươi triệu đồng: Giấy rút dự toán (tạm ứng); Trường hợp Giấy rút dự toán (tạm ứng) không thể hiện được hết nội dung tạm ứng, đơn vị kê khai rõ nội dung tạm ứng trên Bảng kê chứng từ thanh toán/tạm ứng (chọn ô tạm ứng) theo Mẫu số 01 kèm theo Thông tư này.
+ Bảo lãnh Khoản tiền tạm ứng của nhà thầu trong các trường hợp: Khoản chi phải bảo lãnh tạm ứng theo quy định pháp luật hiện hành hoặc Khoản chi mà hợp đồng có thỏa thuận bảo lãnh tạm ứng.
c) Hồ sơ thanh toán tạm ứng gồm:
Khi thanh toán tạm ứng, đơn vị gửi KBNN Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng. Tùy theo từng nội dung chi, gửi kèm theo các tài liệu, chứng từ sau:
- Thanh toán tạm ứng các Khoản chi tiền mặt theo quy định tại Điểm b Khoản 2.2 Điều này: Đơn vị lập Bảng kê chứng từ thanh toán/tạm ứng do Thủ trưởng đơn vị ký duyệt để gửi KBNN theo Mẫu số 01 kèm theo Thông tư này.
- Thanh toán tạm ứng các Khoản chi chuyển Khoản: Các tài liệu, chứng từ kèm theo đối với từng nội dung chi được quy định tại Điểm d Khoản 2.2 Điều này.
d) Hồ sơ thanh toán trực tiếp bao gồm:
- Giấy đề nghị thanh toán (Giấy rút dự toán);
- Đối với những Khoản chi không có hợp đồng và đối với những Khoản chi có giá trị hợp đồng dưới hai mươi triệu đồng: Bảng kê chứng từ thanh toán - Mẫu số 01 kèm theo Thông tư này.
- Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng đề nghị thanh toán theo mẫu biểu phụ lục số 03a và phụ lục số 04 (nếu có) quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính."
Do vậy, đề nghị độc giả căn cứ vào các quy định tại các Thông tư nêu trên của Bộ Tài chính để thực hiện việc quản lý vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư.