Quản trị kinh tế hướng tới Nhà nước kiến tạo
Tại Hội nghị “Quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo” ngày 13/6 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức, các đại biểu cho rằng để xây dựng một nhà nước kiến tạo thì cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị nhưng phân công nhiệm vụ cho từng cấp, ngành và các địa phương.
Tìm ra động lực mới từ thể chế
Theo báo cáo Việt Nam lộ trình hướng tới năm 2035 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã phát triển kinh tế thành công sau 30 năm đổi mới, nhưng so với yêu cầu phát triển thì còn một khoảng cách khá xa. Việt Nam chính thức trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2009, nhưng vẫn tụt hậu về thu nhập và quy mô nền kinh tế. Tăng trưởng GDP đầu người đạt mức bình quân 5,5% trong 2 thập kỷ qua (1990 - 2015: GDP tăng 6,6%).
Năm 1990, quy mô kinh tế Việt Nam đạt 6,5 tỷ USD, đến năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD (gấp 31 lần). Thu nhập bình quân đầu người giai đoạn này của Việt Nam tăng 1.600 USD; trong khi đó Thái Lan là 3.600 USD, Malaysia là 6.500 USD. Tổng GDP của Việt Nam chỉ tăng 160 tỷ USD, trong khi Thái Lan tăng 270 tỷ USD; Indonesia tăng 700 tỷ USD...
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, Việt Nam ngày càng tụt hậu về thu nhập và quy mô kinh tế so với khu vực. Mặc dù GDP có tăng từ 6 - 7% nhưng số tuyệt đối này rất nhỏ và dãn cách rất xa. Chúng ta chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường mặc dù chưa hoàn thiện nhưng phát huy được lực lượng sản xuất mạnh mẽ để phát triển như hôm nay.
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới. Trong xu thế hội nhập, nếu Việt Nam không tận dụng cơ hội của nước đi sau, đón đầu ở đâu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế như thế nào để có sức cạnh tranh cao hơn thì rất khó phát triển. Vì thế, cần tìm ra động lực mới, nhất là về thể chế.
Phân tích những hạn chế của bộ máy nhà nước Việt Nam, ông Jonathan Pincus, Chủ tịch Quỹ Rajiwali, Indonesia cho biết, Việt Nam đang ở tình trạng phân lập manh mún. Điều này được thể hiện qua ranh giới giữa khu vực công và tư nhân không rõ ràng, lợi ích thương mại phát sinh trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước thay vì từ các lực lượng xã hội độc lập.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, các doanh nghiệp phải được cư xử công bằng trong việc tiếp cận các nguồn lực như nhau, tuy nhiên, hiện nay chủ nghĩa tư hữu đang là vấn nạn rất lớn, trong khi Việt Nam không có công cụ có hiệu năng để hành xử độc lập.
Tiếp đó, là những khó khăn trong thực thi pháp luật chúng ta khó khăn do việc phân quyền từ Trung ương đến địa phương còn chồng chéo, chưa xây dựng được chính quyền địa phương tự quản.
Phân công cụ thể cho từng cấp, ngành, địa phương
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, việc xây dựng Chính phủ kiến tạo trong nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ không đơn giản. Sự chuyển đổi này đòi hỏi cần làm rõ phương thức can thiệp, điều hành của Chính phủ.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, cần tăng cường năng lực của Nhà nước; bảo đảm nguyên tắc thị trường trong các quyết định của Nhà nước. Từ đó, làm rõ vai trò của Nhà nước và vai trò của thị trường.
Cùng đó là tăng cường sự bảo đảm về quyền tài sản, thực thi cạnh tranh, giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, dịch vụ hành chính công cần cung cấp theo hướng chuyển từ vai trò nhà nước là người sản xuất và chủ sở hữu sang người hỗ trợ, cung cấp dịch vụ và điều tiết.
Qua đó, mở rộng sự tham gia của mọi thành phần trong cung cấp dịch vụ công… Cũng theo ông Vinh, chúng ta nói cần xây dựng Nhà nước kiến tạo nhưng rõ ràng phải giải quyết nhiều vấn đề mà Nhà nước không tự thân giải quyết hết được mà cần cả Quốc hội, Trung ương Đảng và cả địa phương, vì vậy, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước là rất quan trọng, đồng thời phải phân việc cụ thể cho từng cấp ngành, địa phương cho phù hợp để tránh ôm đồm, chồng chéo.
Theo bà Deborah Wetzel, Giám đốc cao cấp, Khối nghiệp vụ toàn cầu về quản trị nhà nước, Báo cáo Việt Nam - lộ trình hướng tới năm 2035 đã xác định chúng ta cần phải tăng cường quá trình ra quyết định có sự phối kết hợp trong chính phủ và phải đưa ra được những cơ chế xác định trách nhiệm và được triển khai thực hiện.
Để trở thành Nhà nước kiến tạo thì khả năng bảo đảm một sân chơi bình đẳng cho các chủ thể khác nhau, tạo ra sự công tâm, minh bạch giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, ngăn chặn việc bị thâu tóm bởi lợi ích chính trị. Bảo đảm mô hình quản trị doanh nghiệp và minh bạch, ranh giới mờ giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân tạo ra những yếu kém về kinh tế.
Để xây dựng Nhà nước kiến tạo thì theo các đại biểu phải bảo đảm 3 nguyên tắc được coi là đột phá: xây dựng nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền, là xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ, muốn vậy thì Nhà nước không can thiệp quá sâu vào thị trường làm méo mó thị trường. Thứ ba là phải phát huy tính dân chủ.
Ngoài ra, cơ chế kiểm soát quyền lực ở Việt Nam chưa hiệu quả dẫn tới nhiều trường hợp tùy tiện, lạm quyền trong thực thi quyền lực. Vì vậy, cần tập trung xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực. Do đó, cần phải đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, người ở vị trí cao thì trách nhiệm càng lớn.