Quản trị nguồn nhân lực và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

ThS. TRẦN ANH TUẤN

(Tài chính) Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đó là sự hài lòng của người lao động. Tuy nhiên, thực tế tại doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, các chính sách quản trị nguồn nhân lực nói chung và sự quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp đến người lao động nói riêng vẫn chưa đầy đủ, tương xứng để thúc đẩy người lao động góp nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đó là sự hài lòng của người lao động. Nguồn: internet
Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đó là sự hài lòng của người lao động. Nguồn: internet

Động lực tăng trưởng của doanh nghiệp

Nguồn nhân lực được coi là nguồn lực “nội sinh” chi phối quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp (DN) nói riêng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và bối cảnh thế giới có nhiều biến động thì phần thắng sẽ thuộc về những quốc gia, những DN có nguồn nhân lực chất lượng cao. Đối với Việt Nam, để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cần lực lượng đông đảo nhân lực có trình độ cao, có khả năng làm việc trong môi trường công nghệ phát triển và cạnh tranh. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ chuyên môn cao, nhất là có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ là yếu tố then chốt bảo đảm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Theo số liệu thống kê, DN vừa và nhỏ của Việt Nam hiện chiếm tới 97% tổng số DN, trong đó số lượng DN vi mô chiếm một vị trí đáng kể. Các DN này đang sử dụng tới 50% lực lượng lao động của nền kinh tế và đóng góp khoảng 40% GDP hằng năm. Tuy nhiên, hầu hết các DN Việt Nam đều có quy mô nhỏ, sức khỏe tài chính yếu, thiếu chiến lược và tầm nhìn dài hạn, khiến cho sự quan tâm và đầu tư đến nguồn nhân lực và người lao động chưa được lãnh đạo DN chú trọng. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia trên thế giới, người lao động luôn được coi là nhân tố quan trọng hàng đầu đóng góp vào sự phát triển và vị thế của DN. Thực tế cho thấy, những DN thành công trên thế giới đều có đội ngũ cán bộ trình độ cao và đặc biệt, đều có một điểm chung là người lao động rất hài lòng với môi trường làm việc, vị thế DN cũng như các chế độ lương thưởng mà họ được hưởng. Điều này khiến cho người lao động trung thành, nỗ lực đóng góp cho DN và đất nước, mà trong đó Nhật Bản là một trong những nước điển hình rõ nhất.

Trong những năm qua, tác động của mở cửa hội nhập của Việt Nam với thế giới đã thổi một luồng gió mới vào tư duy của DN, giúp các chủ DN ngày càng nhận thức rõ được tầm quan trọng của nguồn nhân lực cũng như việc làm sao tạo được môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến cũng như đưa ra các chế độ lương thưởng để giữ chân người tài. Điều này cũng đã được chứng minh tại Công ty cổ phần kinh doanh than Miền Bắc (thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam). Thời gian qua, công ty đã chú trọng nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện môi trường làm việc lẫn chế độ lương thưởng ở mức cao nhất nhằm nâng cao sự hài lòng của người lao động đối với Công ty. Chẳng hạn, về chính sách đào tạo nguồn nhân lực, nhờ công việc kinh doanh gặp nhiều thuận lợi nên với số lao động luôn được tuyển mới, công ty luôn quan tâm tới chính sách đào tạo nghiệp vụ cho lao động mới và nâng cao bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động cũ. Công ty đã tổ chức nhiều lớp đào tạo tài chính nội bộ DN để nâng cao trình độ chuyên môn, các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng bán hàng và chăm sóc khách hàng cho toàn bộ nhân viên trong DN; Mở các lớp đào tạo kỹ năng quản lý, kỹ năng quản trị DN cho đội ngũ lãnh đạo phòng ban; Tổ chức đào tạo tập trung cho tất cả nhân viên về văn hóa DN và kỹ năng giao tiếp... Đặc biệt, Công ty rất quan tâm tới thu nhập của người lao động nên quỹ lương dành cho người lao động cũng tăng theo. Nếu như năm 2011, quỹ lương là 4.275 triệu đồng thì năm 2013 quỹ lương đã tăng đến 6.617 triệu đồng. Quỹ lương tăng làm cho thu nhập thay đổi từ mức 4,5 triệu/người/tháng vào năm 2010 và tăng lên đến 6,5 triệu/người/tháng vào năm 2013.

QUỸ LƯƠNG VÀ MỨC THU NHẬP BÌNH QUÂN TỪ 2011-2013

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

2011

2012

2013

Tổng quỹ lương được trích theo năm

Triệu đồng

4.275

5.378,4

6.617

Tổng số lao động

Người

950

996

1.018

Thu nhập bình quân

Triệu đồng/ người/ tháng

4,5

5,4

6,5

Nguồn: Công ty cổ phần kinh doanh than Miền Bắc- Tập đoàn Than Khoáng sản.

Một số đề xuất, kiến nghị

Tình hình sản xuất - kinh doanh ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; hiệu quả hoạt động của DN cũng phải đối phó với nhiều biến động, có thể khiến cho người lao động gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, ảnh hưởng không nhỏ tới sự hài lòng của nhân viên trong công việc, từ đó có tác động không tốt tới chất lượng công việc. Vì vậy, mặc dù đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong công ty, chế độ chính sách, lương thưởng cho nhân viên vẫn cần phải không ngừng hoàn thiện. Để làm được điều này, bài viết đề xuất một số kiến nghị như sau:

Đối với Nhà nước

Bối cảnh thực tế hiện nay đòi hỏi mỗi quốc gia phải tận dụng tốt đa các nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực. Bản thân mỗi công ty cũng vậy, muốn phát triển tốt thì cần xây dựng một đội ngũ nhân viên nhiệt tình trong công việc, sẵn sàng cống hiến và trung thành với công ty ngay cả những thời điểm rất khó khăn. Để làm được điều này, các công ty cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề… Cụ thể:

- Nhà nước cần tăng cường đầu tư phát triển đào tạo chuyên sâu các ngành nghề khoa học kỹ thuật với trình độ chuyên sâu cao, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của các DN trong việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, kinh doanh.

- Chú trọng tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo nghề cho đội ngũ người lao động phổ thông, để vừa tận dụng nguồn nhân lực đông đảo, dồi dào, cung cấp nguồn nhân lực rất lớn cho hoạt động sản xuất quy mô công nghiệp, các nhà máy lớn.

- Nhà nước cần tiếp tục đưa ra các chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

- Cần điều hành tốt kinh tế vĩ mô, kiềm chế tốt lạm phát, giảm chỉ số giá tiêu dùng tại các mặt hàng trọng điểm như: Điện, xăng và các mặt hàng nhu yếu phẩm, giúp giảm thiểu chi phí cho người dân và DN trong sản xuất kinh doanh.

Đối với chính quyền địa phương

Với vai trò quản lý trực tiếp, chính quyền địa phương cần thực hiện triệt để các chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nguồn nhân lực cũng như hỗ trợ cho các DN hoạt động trên địa bàn. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu các công ty có uy tín, thế mạnh tại đơn vị mình quản lý tới các đối tác trong và ngoài địa phương, giúp cho việc tiếp cận các đối tác của các DN trên địa bàn tốt hơn. Chính quyền cũng cần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực tại chỗ của địa phương; đồng thời, thực hiện công tác kiểm tra giám sát tại các công ty, DN trên địa bàn về vấn đề thực hiện Luật Lao động, Luật Bảo hiểm nhằm giúp cho nhân viên của các đơn vị trên địa bàn an tâm làm việc.

Đối với DN

Với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cũng như của chính quyền địa phương, tin rằng các công ty có thể tiếp cận được nguồn nhân lực có chất lượng cao, cũng như tiếp cận được các ưu đãi trong hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, yêu cầu lãnh đạo DN cần phải có những giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện DN mình; Không ngừng đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, đánh giá nhân viên, để tạo nên động lực làm việc và công cụ làm việc tốt nhất cho nhân viên công ty mình; Xây dựng cụ thể định hướng, mục tiêu phát triển của công ty theo từng giai đoạn, từ đó, có được “kim chỉ nam” cho hoạt động quản lý cũng như hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực, huy động nguồn vốn để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt, ND cần có những biện pháp tăng cường quản lý tài chính, giảm thiểu thất thoát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về quản lý tài chính của công ty.