Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương:
Quan trọng nhất là cải cách thể chế
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến được ký kết vào tháng 3 năm nay. Theo các chuyên gia, Hiệp định này mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng có không ít thách thức, do đó, cần thúc đẩy cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Nhiều lợi ích
Theo đánh giá của các chuyên gia, tuy không thể có nhiều lợi ích như TPP với sự tham gia của Hoa Kỳ, nhưng Việt Nam vẫn sẽ nhận được nhiều lợi ích khi CPTPP được thực thi. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với CPTPP, GDP dự báo tăng thêm 1,32%; xuất khẩu tăng thêm 4%, nhập khẩu tăng 3,8%. Một số ngành như dệt may, da giày, các ngành thâm dụng lao động khác của Việt Nam cũng sẽ được lợi và tăng xuất khẩu. Ngành thủy sản sẽ khả quan hơn khi các nước tham gia CPTPP hàng năm nhập khẩu gần 2 tỷ USD hàng thủy sản. Trong đó, Mexico đã trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam từ năm 2017, với kim ngạch đạt gần 15 triệu USD, tăng 66% so với năm 2016. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, với những lợi thế trên, việc tham gia CPTPP khiến thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng và tận dụng được lợi thế với các thị trường mà từ trước đến nay Việt Nam chưa có hiệp định thương mại như: Canada, Mexico, Peru.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh, việc ký kết CPTPP là bước tiến rất quan trọng vì sẽ tạo được một mảng thị trường lớn và tạo ra áp lực lành mạnh. Còn theo TS. Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, CPTPP khiến cho các doanh nghiệp đã chuẩn bị đầu tư cho TPP gặp thất vọng thì nay lại hứng khởi tiếp tục chuẩn bị đầu tư cho CPTPP.
Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Dù CPTPP sẽ đem lại nhiều lợi ích nhưng nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại Nguyễn Văn Nam cho rằng, việc tham gia Hiệp định này sẽ gặp nhiều thách thức. Thậm chí ngay cả khi chưa ký kết Hiệp định cũng đã có nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Nam phân tích: Những tháng đầu năm 2018, hàng Nhật Bản vào thị trường Việt Nam khoảng một nghìn mặt hàng với thuế suất bằng 0%, Hàn Quốc là 700 mặt hàng. Trong khi đó, hàng hóa trong nước cạnh tranh còn yếu, doanh nghiệp trong nước có nguy cơ bị “bóp chết”. Trên thực tế, nguy cơ này nước nào cũng có nhưng các nước đều có biện pháp khắc phục, còn nước ta không khắc phục được vì chính sách còn thiếu, chưa có sự chuẩn bị về nội lực, tức là chưa nâng cao năng lực của doanh nghiệp nội địa nên khả năng cạnh tranh thấp.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn có sự thiên lệch giữa các khu vực kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa được quan tâm đúng mức, số lượng doanh nghiệp vẫn rất thấp, trong khi doanh nghiệp nhà nước được “nuông chiều”, doanh nghiệp nước ngoài được nhiều ưu đãi. Do đó, theo ông Nguyễn Văn Nam, phải ưu tiên phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi doanh nghiệp nhỏ và vừa là trọng tâm ưu tiên về chính sách và nguồn lực phát triển của các thành viên CPTPP.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, CPTPP có những điều kiện tiêu chuẩn cao về mặt thể chế, chất lượng quản lý nhà nước cũng như khuôn khổ pháp luật. Việc tham gia Hiệp định này sẽ góp phần cải cách môi trường thể chế, hướng tới các “luật chơi” quốc tế là điều kiện cần thiết cho tăng trưởng, mang lại động lực tích cực để phát triển đất nước. Cải cách thể chế sẽ giúp cho toàn xã hội thúc đẩy được khả năng cạnh tranh, huy động và sử dụng tốt nhất những nguồn lực sẵn có ở trong nước và tận dụng tốt hơn các nguồn lực bên ngoài. Vì vậy, điều quan trọng vẫn là Chính phủ phải hướng về cộng đồng doanh nghiệp, đặt họ vào trung tâm, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động, tôn trọng quy luật cạnh tranh.
Để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (CIEM) Nguyễn Anh Dương cho rằng, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh là nhiệm vụ hàng đầu, trong đó cải cách thủ tục hành chính, có những biện pháp thực tế nhằm cắt giảm chi phí bất hợp lý là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay, đồng thời tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng mạnh mẽ hơn, để hội nhập kinh tế nói chung và tham gia CPTPP nói riêng trở thành cơ hội phát triển đất nước. Ngoài ra, cần tạo ra những chính sách có tính ứng phó với cú sốc bất lợi, xử lý thách thức của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và gắn kết hơn giữa người lao động với cộng đồng doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc tham gia Hiệp định này không tránh khỏi việc doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó khăn hơn khi những chuẩn mực về chất lượng hàng xuất khẩu sẽ khắt khe hơn. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin, kiến thức về CPTPP, từ đó chủ động đổi mới trang thiết bị, công nghệ theo chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP, xây dựng chiến lược phát triển thị trường trong và ngoài nước, bảo đảm sự phát triển vượt trội trong cạnh tranh.