Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 80,63% kế hoạch
Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm 2022 đến ngày 31/01/2023, giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 ước đạt 539.276,51 tỷ đồng, bằng 80,63% kế hoạch, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022
Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 là 721.079,038 đồng (vốn trong nước là 680.837,097 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 40.241,94 tỷ đồng). Trong đó, kế hoạch vốn đã giao là 720.864,624 tỷ đồng (vốn trong nước là 680.837,097 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 40.027,528 tỷ đồng); kế hoạch vốn chưa giao là 214,414 tỷ đồng (vốn nước ngoài).
Tổng số vốn đã phân bổ là 645.310,337 tỷ đồng, đạt 111,25% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 88.757,532 tỷ đồng. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 23.494,029 tỷ đồng, chiếm 4,05% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Tài chính cho biết, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, không bao gồm vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia, có 04/52 bộ chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, một số Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao. Nguyên nhân là do một số bộ, cơ quan trung ương đang đề nghị cắt giảm kế hoạch vốn nhưng chưa được cấp có thẩm quyền quyết định.
Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, có 51/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn 03/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương.
Giải ngân đạt 80,63% kế hoạch vốn
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, về giải ngân tổng kế hoạch vốn năm 2022, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/01/2023 là 573.113,52 tỷ đồng, đạt 79,50% kế hoạch.
Riêng giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/01/2023 là 539.276,51 tỷ đồng, đạt 80,63% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 92,97%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (95,11%); trong đó vốn trong nước đạt 96,17% (cùng kỳ năm 2021 đạt 102,94%), vốn nước ngoài đạt 42,47% (cùng kỳ năm 2021 đạt 32,85%).
Có 13 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 90%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam (100%), Hội Luật gia Việt Nam (100%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Bộ Nội vụ (100%), Hội Nhà văn (100%), tỉnh Thái Bình (97,4%), tỉnh Lâm Đồng (96,9%)… Tuy nhiên, có 27/52 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 80%, trong đó có 08 bộ và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%.
Nguyên nhân chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy giải ngân đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng tháng. Với chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước.
Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa các công trình vào khai thác, sử dụng, góp phần khơi thông, giải quyết các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.