Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này. Mặc dù đã tích cực triển khai nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hiện vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm
Năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN) được Quốc hội quyết nghị tại các Nghị quyết là 580.261,248 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 276.155,353 tỷ đồng, bao gồm: 16.000 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022. Vốn bổ sung từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 38.155,353 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 304.105,895 tỷ đồng.
Đến hết tháng 12/2022, tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 556.783,456 tỷ đồng, đạt 95,99% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó vốn trong nước đạt 95,78% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 99,24% kế hoạch. Số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ là 23.263,378 tỷ đồng (bằng 4,01% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; chủ yếu là vốn cân đối NSĐP (2/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch).
Giải ngân chung các nguồn vốn ngân sách nhà nước
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN từ đầu năm đến ngày 31/12/2022 là 435.689,974 tỷ đồng, đạt 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 77,3%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 79.111,13 tỷ đồng.
Trong đó, vốn trong nước là 424.052,69 tỷ đồng, đạt 77,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 83,66%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 81.271,79 tỷ đồng. Vốn nước ngoài là 11.637,28 tỷ đồng, đạt 33,65% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 26,77%).
Có 5 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 90% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, có 37/52 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (75,11%), trong đó có 6 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân của đơn vị mình.
Giải ngân các dự án quan trọng quốc gia
Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 6/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng, tổng lũy kế vốn đã bố trí đến năm 2021 là 22.855,035 tỷ đồng, cụ thể: Năm 2018 là 4.500 tỷ đồng; năm 2019 là 6.990 tỷ đồng, năm 2020 là 6.705,035 tỷ đồng, năm 2021 là 4.660 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước đến ngày 19/12/2022, Dự án ước giải ngân là 16.684,5 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch đã giao.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
(i) Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang di dời. Về thi công xây dựng, tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đạt khoảng 34.005,59/57.756,44 tỷ đồng, tương đương 58,9% giá trị hợp đồng. Trong đó: 04 dự án hoàn thành năm 2022 sản lượng trung bình đạt 77,5% giá trị hợp đồng, chậm 8,0% so với kế hoạch; 04 dự án hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 59,4% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch; 02 dự án hoàn thành năm 2024 sản lượng trung bình đạt 26,2% giá trị hợp đồng, chậm 4,0% so với kế hoạch.
Tổng nguồn vốn NSNN tham gia thực hiện Dự án là 78.461 tỷ đồng. Đến nay, đã bố trí cho Dự án trong kế hoạch hàng năm là 48.536,2 tỷ đồng, trong đó kế hoạch năm 2022 là 16.034,398 tỷ đồng. Số kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa giao kế hoạch năm cho Dự án là 29.933,702 tỷ đồng. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, lũy kế số vốn NSNN giải ngân đến nay là 44.618,2 tỷ đồng, đạt 91,9% tổng kế hoạch được giao; trong đó thuộc kế hoạch năm 2022 là 12.815,3 tỷ đồng, đạt 79,9% kế hoạch năm 2022 được giao.
(ii) Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025
Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần vào ngày 13/7/2022, trong đó giao cho các Ban Quản lý dự án thuộc bộ làm chủ đầu tư và bàn giao toàn bộ các mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương vào ngày 30/6/2022 để triển khai thực hiện. Theo báo cáo của Bộ GTVT, đối với công tác xây lắp, toàn bộ 12 dự thành phần thuộc Dự án được chia thành 25 gói thầu để thực hiện chỉ định thầu theo quy định. Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó 12 gói thầu dự kiến khởi công vào trước ngày 31/12/2022 và 13 gói thầu dự kiến khởi công trước 15/01/2023. Đối với 12 gói thầu dự kiến khởi công trước 31/12/2022, đã mở thầu vào ngày 16/12/2022 và đang đánh giá, thương thảo, ký hợp đồng trước ngày 25/12/2022.
Theo Bộ Tài chính, tổng Kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 đã giao cho Dự án là 119.644,586 tỷ đồng. Trong đó: Từ nguồn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 47.168,586 tỷ đồng; Từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 72.476 tỷ đồng. Số vốn trên hiện đã được Bộ Giao thông vận tải phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch năm 2022 (9.521,3 tỷ đồng) cho từng dự án thành phần. Tổng số vốn giải ngân đến nay là 5.855,8 tỷ đồng, đạt 61,5% kế hoạch năm 2022 của Dự án.
Đối với 03 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc: Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; Biên Hòa – Vũng Tàu; Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Ba dự án trên đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại các Nghị quyết số 58/2022/QH15, 59/2022/QH15, 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022, trong đó 03 dự án được chia thành 10 dự án thành phần và Chính phủ xem xét phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần đi qua địa bàn. Ngày 25/7/2022, Chính phủ đã có các Nghị quyết số 89/NQ-CP, số 90/NQ-CP và số 91/NQ-CP để triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.
Tại Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản của 2/10 dự án thành phần; 8/10 dự án thành phần còn lại phân cấp cho các địa phương nơi có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư. Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các địa phương được phân cấp là cơ quan chủ quản hoàn thiện phương án phân bổ kế hoạch vốn theo từng nguồn vốn cho các dự án thành phần gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì báo cáo cấp có thẩm quyền..
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.
Dự án được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 29/8/2022 và Quyết định số 1161/QĐ-TTg ngày 01/10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án là 19.383 tỷ đồng (trong đó: TP. Hà Nội là 14.533 tỷ đồng; tỉnh Hưng Yên là 3.740 tỷ đồng; tỉnh Bắc Ninh là 2.110 tỷ đồng).
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 – TP. Hồ Chí Minh.
Dự án được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 với chiều dài 76,34 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng được chia làm 8 dự án thành phần do UBND các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh làm cơ quan chủ quản.
Ngày 15/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP để triển khai thực hiện Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội. Tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 29/8/2022 và Quyết định số 1161/QĐ-TTg ngày 01/10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án là 17.146 tỷ đồng (trong đó: TP. Hồ Chí Minh là 19.448,65 tỷ đồng; tỉnh Đồng Nai là 1.566,972 tỷ đồng; tỉnh Bình Dương là 7.807,86 tỷ đồng và tỉnh Long An là 2.555,954 tỷ đồng).
Như vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có nhiều nguyên nhân đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa xử lý dứt điểm như: Giải phóng mặt bằng; việc lập kế hoạch vốn chưa với sát thực tế và khả năng giải ngân; công tác chuẩn bị đầu tư thực hiện dự án chưa tốt; năng lực nhà thầu, Ban Quản lý dự án còn nhiều hạn chế; vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ; các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...
Xác định giải ngân vốn đầu tư công được là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 nghị quyết (trong đó có 3 Nghị quyết chuyên đề), 4 công điện, 7 văn bản; 1 Chỉ thị, tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thành lập 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân và Tổ công tác này có 4 lần kiểm tra liên tiếp (tháng 5/2022, tháng 7/2022, tháng 8/2022 và tháng 11, 12/2022).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành 5 công điện, 4 văn bản và Bộ Tài chính có 2 văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai, quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân…
Nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân
Việc giải ngân chậm có một số nguyên nhân khách quan sau:
Một là, 2022 là năm các địa phương khởi công nhiều dự án mới, các dự án khởi công mới phải hoàn tất các thủ tục phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và đấu thầu dẫn đến quý IV/2022 mới bắt đầu triển khai thi công;
Hai là, giá nguyên vật liệu tăng cao, nhất là giá thép, cát xây dựng... và thiếu hụt nguồn nhân lực, vật liệu xây dựng;
Ba là, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định liên quan đến thi công, công tác lập hồ sơ nghiệm thu khối lượng hoàn thành công trình.
Bốn là, các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ phải điều chỉnh chủ trương; vướng mắc về nghiệm thu, thanh toán đối với các khoản vay theo quy định của Hiệp định và cơ chế tài chính dự án nhất là phần vốn ODA vay lại.
Năm là, một số dự án chưa được giao điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, dẫn đến chưa đảm bảo giao kế hoạch năm 2022 để triển khai thực hiện đối với phần vốn điều chỉnh.
Sáu là, một số quy định của pháp luật còn chưa thống nhất, chưa có hướng dẫn cụ thể; cách hiểu khác nhau nên chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh các nguyên nhân khách quan nêu trên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu: (i) Một số cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành (thường tập trung thực hiện và giải ngân ở những tháng cuối năm); (ii) Công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế phê duyệt dự án và khả năng giải ngân; (iii) Công tác chuẩn bị dự án, thẩm định còn mất nhiều thời gian, thủ tục; (iv) Một số chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu có năng lực, chuyên môn còn hạn chế trong chuẩn bị đầu tư, đấu thầu và thực hiện dự án nên phải chỉnh sửa thiết kế, dự toán nhiều lần, tốn nhiều thời gian ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân cho dự án; (v) Các địa phương chưa chủ động điều chỉnh và công bố giá nguyên vật liệu xây dựng... phù hợp với diễn biến thị trường.
Các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan trung ương và các cấp chính quyền địa phương cần coi việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đã được giao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Theo đó, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa các công trình vào khai thác, sử dụng góp phần khơi thông, giải quyết các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung thực hiện giải pháp sau:
Một là, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 124/NQ- CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ; các nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, trong đó đẩy mạnh hoạt động của 06 Tổ công tác.
Hai là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên…; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định.
Ba là, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án. Nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.
Năm là, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án để có thể triển khai thực hiện ngay tích cực giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.