Quảng Ninh phấn đấu trở thành trung tâm kết nối vùng đồng bằng sông Hồng


Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng, cần có biện pháp, lộ trình cụ thể kết nối nguồn lực các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tốc độ hoàn thành các hạng mục có tính khớp nối khắc phục các điểm nghẽn của “trục khuỷu giao thông” cản trở liên kết vùng...

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 20230, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra ngày 12/2, đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần có biện pháp, lộ trình cụ thể kết nối nguồn lực các địa phương trong vùng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tốc độ hoàn thành các hạng mục có tính khớp nối khắc phục các điểm nghẽn của “trục khuỷu giao thông” cản trở liên kết vùng. Trong đó, đồng chí Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh việc phát triển hạ tầng giao thông chiến lược dựa trên kết nối nguồn lực các địa phương để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án có tính khớp nối…

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể như dự án Cầu Lại Xuân; cầu Bến Rừng; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ Nút giao với Quốc lộ 18 (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (thành phố Hải Phòng); đường ven sông từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, kết nối từ Đường ven sông sang thị xã Kinh Môn và TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ngoài ra là tuyến đường nối từ Quốc lộ 279 (xã Tân Dân, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đến đường tỉnh 291 (thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang); đường tỉnh 342 nối từ Hạ Long lên Ba Chẽ sang Lạng Sơn đến đường tỉnh 291 (thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang).

“Đây là những dự án nhằm tăng cường kết nối nông thôn - thành thị, vùng thấp - vùng cao, công nghiệp - dịch vụ, du lịch, nội vùng, liên vùng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thu hẹp chênh lệch vùng miền; đồng thời nâng cao khả năng kết nối thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế theo quy hoạch của Vùng và phía Bắc mà Nghị quyết đã nêu”, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh nhấn mạnh.

Xây dựng Quảng Ninh thành trung tâm liên kết cụm du lịch vùng, có quy mô quốc tế

Ngoài đề xuất giải pháp về phát triển hạ tầng giao thông chiến lược trên cơ sở mạng lưới đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái đã được hoàn thành, Bí thư Nguyễn Xuân Ký cũng đề xuất loạt giải pháp phát triển vùng đồng bằng sông Hồng như xây dựng các thể chế, cơ chế vượt trội; chuyển đổi tăng trưởng xanh; phát triển đi thị và hệ sinh thái dân sinh.

Theo đó, đối với xây dựng các thể chế, cần xác định rõ hơn những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển vùng, phát triển ngành gắn với tư duy mở, cơ chế vượt trội, tập trung nguồn lực nhà nước đủ tầm mức cho kích hoạt, kết nối nguồn lực tư nhân, nhờ đó tạo “tăng trưởng” lan tỏa trong toàn vùng.

 Quảng Ninh có đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành trung tâm kết nối cụm du lịch tầm cỡ quốc tế của vùng và cả nước.
 Quảng Ninh có đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành trung tâm kết nối cụm du lịch tầm cỡ quốc tế của vùng và cả nước.

“Một số đề án giao nhiệm vụ cho tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan nêu trong Phụ lục của Chương trình hành động cũng cần được dẫn dắt theo tư duy kiến tạo thể chế phát triển nêu trên, nhất là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu hợp tác kinh tế song phương Móng Cái - Đông Hưng có vai trò cho liên kết vùng và nâng cao năng lực cạnh tranh với các khu kinh tế của đảo Hải Nam và ven biển Quảng Tây - Trung Quốc đang diễn ra rất sôi động”, Bí thư Nguyễn Xuân Ký cho biết.

Đối với phát triển các ngành kinh tế, chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, trên nền tảng mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực” đã định hình, phát huy tác dụng trong những năm qua, Bí thư Quảng Ninh đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho Quảng Ninh thực hiện tốt các định hướng đã nêu trong Chương trình hành động.

Đó là, xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế tầm cỡ và liên kết với các địa phương trong vùng hình thành cụm ngành du lịch với các sản phẩm độc đáo, sức cạnh tranh cao; giữ vững sự ổn định và phát triển ngành than theo quy hoạch bền vững hơn gắn với đẩy mạnh dịch chuyển năng lượng; tạo đột phá trong thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế…; chuyển đổi từ quy hoạch phát triển khu công nghiệp theo tư duy truyền thống sang phát triển “hệ sinh thái công nghiệp”; và phát triển nông nghiệp sinh thái, đa giá trị gắn với xây dựng nông thôn hiện đại, góp phần phục vụ trực tiếp cho phát triển du lịch.

Đối với phát triển đô thị, kiên trì tổ chức đô thị theo định hướng quy hoạch không gian phát triển chung. Phát triển các đô thị đồng bộ về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở theo hướng đô thị xanh, thông minh…

“Với Quảng Ninh, phải bám sát đặc điểm đô thị biển, hướng ra biển, cửa ngõ biển tiền tiêu của Tổ quốc đặt ra các yêu cầu cao về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia trong tình hình mới”, Bí thư Nguyễn Xuân Ký chia sẻ.

Riêng đối với xây dựng hệ sinh thái dân sinh, Bí thư Quảng Ninh cho rằng vùng cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, các dịch vụ công có chất lượng cao để thu hút và giữ chân nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng để “phân vai” tốt hơn trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực các ngành nghề và giải quyết việc làm.

Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức và cơ chế điều phối vùng hiệu quả, đủ mạnh để thực thi kịp thời, hiệu quả các cam kết liên kết vùng, tăng cường khả năng phản ứng chính sách nhanh nhạy, linh hoạt để quản trị phát triển bền vững địa phương và toàn vùng trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện nay.

Quảng Ninh được định hướng thành cửa ngõ trung chuyển khu vực

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và kết quả đạt được trong quá trình phát triển của tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Trên cơ sở mạng lưới đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đã được hoàn thành, hiện đại hóa, phát huy hiệu quả, cần có biện pháp, lộ trình cụ thể kết nối nguồn lực các địa phương trong vùng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tốc độ hoàn thành các hạng mục có tính khớp nối, khắc phục các điểm nghẽn của “trục khuỷu giao thông” cản trở liên kết vùng, như: Cầu Lại Xuân; cầu Bến Rừng; cải tạo nâng cấp QL10 đoạn từ nút giao với QL18 (Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (TP. Hải Phòng)..., góp phần tăng cường kết nối nông thôn - thành thị, vùng thấp - vùng cao, công nghiệp - dịch vụ, du lịch, nội vùng, liên vùng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thu hẹp chênh lệch vùng miền.

Cùng với đó, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Quảng Ninh tạo đột phá trong thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới vào các KCN, KKT, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo giá trị gia tăng lớn.

Theo quy hoạch, Quảng Ninh sẽ trở thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực, đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế. Quảng Ninh được định hướng trở thành tiêu biểu cả nước về mọi mặt; kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là cực tăng trưởng của phía Bắc, trung tâm du lịch quốc tế, kinh tế biển, cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Chính phủ kỳ vọng dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh. Đến năm 2050, Quảng Ninh sẽ là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN; sân bay quốc tế Vân Đồn thành trung tâm logistics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho Đông Nam Á.

Quảng Ninh cũng sẽ phát triển thành trung tâm kinh tế biển, kết nối khu vực và quốc tế với hệ thống cảng nước sâu, âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế, gắn với chuỗi kinh tế đô thị ven biển. Các loại thủy sản làm dược liệu và thực phẩm dinh dưỡng được khuyến khích nuôi trồng. Kinh tế biển sẽ gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo. Công nghiệp chế biến, chế tạo của địa phương là trụ cột chính trong nền kinh tế. Công nghiệp năng lượng thân thiện môi trường chuyển dần sang năng lượng sạch, tái tạo. Tỉnh không mở rộng các nhà máy nhiệt điện than mà đầu tư nâng cao hiệu suất các nhà máy hiện tại, bảo vệ môi trường.

Ở mục tiêu ngắn hạn hơn, Chính phủ mong muốn đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân cả giai đoạn của Quảng Ninh là 10%/năm, cơ cấu kinh tế nông, lâm, thủy sản chiếm 3-4%; công nghiệp xây dựng chiếm 47-48%; dịch vụ 38-39% và thuế sản phẩm 9-10%; GRDP bình quân đầu người đạt 19.000-20.000 USD.

Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 1,9%/năm; đến 2030 dân số toàn tỉnh khoảng 2,64 triệu người, trong đó dân số thường trú khoảng 1,63 triệu người. Chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh duy trì ở nhóm 5 tỉnh thành đứng đầu cả nước; tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%./.

Theo Hân Nguyễn/dangcongsan.vn