Quảng Ninh phát triển bền vững sản phẩm OCOP
Quảng Ninh hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP với 502 sản phẩm OCOP, trong đó có 272 sản phẩm được xếp hạng từ 3-5 sao. Toàn tỉnh có 31 điểm, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Phát triển bền vững sản phẩm OCOP đang là hướng đi phù hợp để Quảng Ninh phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh.
Nằm ở địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh có rất nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo. Từ lợi thế này, trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Quảng Ninh luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm OCOP.
Với quan điểm OCOP là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, ngay từ khi triển khai chương trình, tỉnh Quảng Ninh đã xác định phương châm phát triển bền vững, thực chất các sản phẩm OCOP. Trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP phải đặc biệt coi trọng yếu tố chất lượng sản phẩm gắn với phát huy tiềm năng lợi thế và cả nét văn hóa, phong tục tập quán sản xuất của người dân địa phương.
Thị xã Đông Triều được biết đến là một “điểm sáng” trong thực hiện chương trình OCOP. Thị xã đã chú trọng ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (trong đó có đầu tư nguồn vốn phát triển sản phẩm OCOP); tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về OCOP; hỗ trợ giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP…
Đồng thời, tập trung hỗ trợ kết nối thương mại cho sản phẩm để từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và từng bước nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm OCOP. Qua đó, nhiều sản phẩm OCOP của thị xã Đông Triều đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, tiêu biểu như: Gạo nếp cái hoa vàng, nấm Long Hải, sữa An Sinh và sữa Đông Triều, na dai, vải thiều...
Đến nay, thị xã Đông Triều đã phát triển được 40 sản phẩm OCOP của 18 tổ chức kinh tế tham gia. Trong đó có 30 sản phẩm đạt từ 3-5 sao và đã được cấp mã số, mã vạch. Ngoài ra, thị xã đã xây dựng được 5 nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa chủ lực (na dai, vải thiều, cam Canh, bưởi Diễn, nếp cái hoa vàng), đặc biệt sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ trở thành sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và định hướng sản phẩm OCOP cấp quốc gia... Anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Việt Dân, thị xã Đông Triều chia sẻ: “Từ khi sản phẩm na dai được gắn sao OCOP, bà con rất yên tâm gắn bó với loại cây ăn quả này. Hiện nay, na dai Đông Triều đã được tiêu thụ tại nhiều các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Ninh Bình... và được xúc tiến xuất khẩu. Sản phẩm OCOP na dai đã giúp gia đình tôi và nhiều hộ dân có thu nhập ổn định”.
Được biết, Quảng Ninh hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Tính chung trên phạm vi toàn tỉnh, Quảng Ninh đã có 502 sản phẩm OCOP, trong đó có 272 sản phẩm được xếp hạng từ 3-5 sao. Toàn tỉnh có 31 điểm, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Không chỉ vậy, để hạn chế tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh tiên phong đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ, nhiều nông sản chủ lực và các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh cũng đã được mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng.
Đặc biệt, với mục tiêu nâng tầm sản phẩm OCOP trên thị trường, các sở, ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp là Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý trên cơ sở phát huy có hiệu quả phần mềm quản lý chương trình OCOP, phần mềm chấm điểm sản phẩm OCOP, Website OCOP, Kênh truyền thông YouTube OCOP Quảng Ninh… Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm đã có thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, học tập kinh nghiệm. Các sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung xây dựng các dự án liên kết chuỗi đối với các sản phẩm OCOP chủ lực, đảm bảo gia tăng cao về giá trị kinh tế, phát triển thương hiệu, sản phẩm OCOP Quảng Ninh tiếp tục vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước.
Để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP bảo đảm bền vững, hiệu quả, nhiều sản phẩm OCOP đã được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2021, Hội chợ OCOP tỉnh Quảng Ninh đã gắn liền với các sàn giao dịch thương mại điện tử, với hình thức bán hàng trực tuyến đến tận tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, một số sản phẩm OCOP của Quảng Ninh vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến; tỷ lệ vào siêu thị và các hệ thống bán lẻ của một số sản phẩm OCOP chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do các sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc thù, quy mô nhiều sản phẩm còn nhỏ…
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục coi trọng việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm...Tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm và chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông, tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh…Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP./.