Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra thành công, tốt đẹp
Sau 6 ngày diễn ra, Diễn đàn Kết nối sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) “Liên kết cùng phát triển - Đồng Tháp 2022” vừa khép lại với nhiều kết quả nổi bật. Sự kiện này thu hút hàng ngàn lượt người dân đến tham quan, mua sắm tại không gian triển lãm, trưng bày sản phẩm OCOP.
Điểm nhấn của Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL chính là tổ chức Ngôi nhà triển lãm chung sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan. Qua đó, giúp người tiêu dùng, chủ thể OCOP nâng cao nhận thức của về giá trị thương hiệu sản phẩm khi đạt được chứng nhận OCOP theo quy định.
Bên cạnh đó, Diễn đàn còn có nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, mang đến nhiều thỏa thuận liên kết, hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp tiêu thụ và các chủ thể OCOP. Trong đó, có khoảng 50 biên bản thỏa thuận hợp tác giữa các chủ thể OCOP với các doanh nghiệp tiêu thụ, sàn thương mại điện tử; kết nối tour, tuyến du lịch, xúc tiến thương mại giữa tỉnh ĐồngTháp và tỉnh Lâm Đồng.... Cùng với đó, UBND TP. Sa Đéc (Đồng Tháp) và UBND TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) còn ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch và tổ chức sự kiện Festival hoa trên địa bàn TP Sa Đéc giai đoạn đến năm 2025.
Trong khuôn khổ Diễn đàn còn có Hội thi Sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL. Qua đó, Ban tổ chức đã chọn 23 sản phẩm tiêu biểu, đạt chứng nhận OCOP tiêu biểu của vùng. Đối với Hội thi ẩm thực món ngon từ xoài phát huy những giá trị văn hóa ẩm thực địa phương, làm phong phú sản phẩm du lịch và giới thiệu, quảng bá thương hiệu Xoài Cao Lãnh - một trong năm ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp.
Thông qua các hoạt động Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh có thêm cơ hội kết nối, liên kết, quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng. Đồng thời, giúp các đơn vị khai thác nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm từ nguồn tài nguyên bản địa, hoàn thiện sản phẩm, đảm bảo điều kiện cung cấp cho thị trường bán lẻ, kênh phân phối hiện đại...