Quốc hội thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi)


Sáng 20/6/2023, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi), với 466/472 đại biểu Quốc hội Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, bằng 94,33% tổng số đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tạo điều kiện thuận lợi cho đăng ký tổ hợp tác

Trước đó, trình bày Báo cáo Tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm 12 chương với 115 điều. Luật Hợp tác xã (sửa đổi) quy định về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể, phá sản và hoạt động có liên quan của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Về áp dụng Luật Hợp tác xã và các luật khác, Luật Hợp tác xã quy định, trường hợp luật khác có quy định đặc thù về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể, phá sản và hoạt động có liên quan của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì áp dụng theo quy định của luật đó.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh  trình bày báo cáo. Ảnh: Hồ Long
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh  trình bày báo cáo. Ảnh: Hồ Long

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, về nội dung tổ hợp tác, dự thảo Luật đã được nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý tại khoản 2 Điều 107 quy định về việc đăng ký tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác phát triển theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Cụ thể, thành lập tổ hợp tác trên tinh thần tự nguyện thành lập nhưng cũng cần có sự quản lý thống nhất của Nhà nước và đưa các chính sách của Nhà nước đến với tổ hợp tác. Tổ hợp tác khi có góp vốn và hợp đồng hợp tác không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc tổ hợp tác đề nghị thụ hưởng chính sách của Nhà nước phải đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh; khuyến khích tổ hợp tác khác đăng ký.

Đối với quy định về thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tại khoản 8 Điều 4 của Luật Hợp tác xã (sửa đổi) quy định liên hiệp hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 3 hợp tác xã là thành viên chính thức tự nguyện thành lập là phù hợp với quy định về vốn góp tối đa của mỗi thành viên liên hiệp hợp tác xã không quá 40% vốn điều lệ; trường hợp quy định liên hiệp hợp tác xã chỉ có 2 thành viên thì theo quy định chỉ góp tối đa được 80% vốn điều lệ, không bảo đảm góp đủ 100% vốn điều lệ của liên hiệp hợp tác xã.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và bổ sung các quy định về điều kiện tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài trở thành thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, điều kiện đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có thành viên là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài, điều kiện về sáng lập viên, điều kiện về số lượng thành viên, điều kiện về phần vốn góp tối đa tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Không quy định chuyển nhượng vốn góp thành viên hợp tác xã

Chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là nội dung có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi Phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở kết quả Phiếu xin ý kiến, dự thảo Luật đã được tiếp thu và hoàn thiện theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, bỏ quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại Điều 79 và một số điều khoản liên quan nhằm bảo đảm phản ảnh đúng bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là đối nhân, không phải đối vốn như doanh nghiệp. Đồng thời, tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa hợp tác xã”, thao túng, chi phối của một số cá nhân, tổ chức đối với hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đặc biệt là đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp, tại Điều 81 và Điều 82 của Luật Hợp tác xã (sửa đổi) quy định về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và giao Chính phủ quy định điều kiện để hợp tác xã, liên minh hợp tác xã thành lập doanh nghiệp, điều kiện góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 81 quy định trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập doanh nghiệp thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan; Hợp đồng, giao dịch giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và doanh nghiệp được thành lập phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với chủ thể pháp lý độc lập. Tại khoản 2 Điều 82 quy định trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, cổ đông của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn