Quốc hội yêu cầu đảm bảo an toàn tài chính về nợ công

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Trước phiên bế mạc, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Trong đó, đối với lĩnh vực tài chính, Quốc hội đề nghị Chính phủ có các giải pháp cần thiết bảo đảm an toàn, an ninh tài chính về nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép, đồng thời tái cơ cấu nợ công...

Bộ Tài chính đưa ra đồng bộ các giải pháp chủ yếu để giảm nợ công, bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia. Nguồn: internet
Bộ Tài chính đưa ra đồng bộ các giải pháp chủ yếu để giảm nợ công, bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia. Nguồn: internet
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, Quốc hội cơ bản tán thành các giải pháp mà các thành viên của Chính phủ đã cam kết trước Quốc hội. Đồng thời yêu cầu,  đối với lĩnh vực tài chính, cần có các giải pháp cần thiết bảo đảm an toàn, an ninh tài chính về nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép; tái cơ cấu nợ công theo hướng chuyển từ cơ cấu vay ngắn hạn sang vay dài hạn, phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài hơn; giảm bội chi ngân sách, hạn chế sử dụng vay mới để đảo nợ cũ; rà soát, đánh giá tổng thể nợ công, nợ của Chính phủ để có giải pháp cân đối vay và trả nợ, bảo đảm an toàn nợ công trong dài hạn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Đồng thời, Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện thu đúng, thu đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước (NSNN) và cân đối thu chi hợp lý để đảm bảo các nhu cầu chi trong dự toán, tăng khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phát hiện, ngăn ngừa và xử lý tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế, nợ thuế, hoàn thuế sai, chuyển giá.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ, công chức ngành thuế, hải quan, bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức chuyên sâu, chuyên nghiệp, trong sạch; hiện đại hoá công tác quản lý thuế, giảm các thủ tục và thời gian kê khai, nộp thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Thực hiện chi ngân sách nhà nước theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, tiết kiệm; bội chi chủ yếu dành cho đầu tư phát triển.

Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ cần triển khai thực hiện tốt Luật Giá; tăng cường kiểm soát, điều tiết, bình ổn giá, công khai giá, tập trung vào những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân; bảo đảm cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ tài sản của Nhà nước; đổi mới quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hoá, nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thực hiện tái cơ cấu đầu tư và doanh nghiệp; xây dựng phương án sử dụng và quản lý nguồn vốn từ kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết, theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều (tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm là 51,7% (2010); 50,1% (2011); 50,8% (2012) và 54,1% (ước tính 2013) hiện ở dưới mức theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội là 65%.

Về cơ cấu nợ công, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm. Do vậy áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các Ngân hàng thương mại trong khi cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn.

Hiện nay, trên thế giới chưa có tiêu chí về phạm vi nợ công áp dụng chung cho các quốc gia. Hiện nay phạm vi nợ công của phần lớn các nước  bao gồm nợ Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Đối với Việt Nam, theo quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành, nợ công đã bao gồm: nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản, đây là khoản nợ phát sinh do cần thiết đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm; do chấp hành kỷ luật tài chính ở một số nơi chưa nghiêm. Do vậy, cần thực hiện đúng Nghị quyết Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện việc cân đối vốn dự toán để thanh toán các khoản nợ đọng của các công trình trong danh mục đã được phê duyệt. Phấn đấu tăng thu để có nguồn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

Hiện nay, các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh, nợ vay về cho vay lại của Chính phủ đã được tính trong phạm vi nợ công. Các khoản vay nợ của doanh nghiệp không được tính trong nợ công bởi doanh nghiệp là người trực tiếp đi vay nợ để đầu tư và có nghĩa vụ trả nợ. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trả nợ.

Bộ Tài chính cũng đưa ra đồng bộ các giải pháp chủ yếu để giảm nợ công, bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia.

Trong đó: Thực hiện cân đối ngân sách tích cực, từng bước giảm bội chi NSNN so với GDP, bố trí nguồn để trả nợ trong nước, ngoài nước đến hạn hàng năm theo đúng cam kết; Trong quá trình điều hành NSNN phấn đấu tăng thu để sử dụng một phần hợp lý để tăng chi trả nợ; Có kế hoạch thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm các khoản vay lãi suất cao, thời hạn ngắn, tăng trái phiếu trong nước có kỳ hạn dài (5 năm, 10 năm, 15 năm), lãi suất phù hợp với chỉ số lạm phát hiện nay; Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các khoản vay về cho vay lại, các khoản bảo lãnh cho doanh nghiệp; định kỳ kiểm tra, xử lý kịp thời những vướng mắc, những vi phạm; Tập trung xử lý các khoản nợ vay về cho vay lại trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...