Quy định mới về bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 01/12/2015
Quyết định số 959/QĐ-BHXH ban hành ngày 09/09/2015 quy định cụ thể một số vấn đề liên quan đến đối tượng tham gia, mức đóng và tiền lương đóng các chính sách bảo hiểm cho người lao động trong doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo Công ty Luật PLF, các doanh nghiệp cần chú ý một số điểm thay đổi sau:
Bảo hiểm xã hội bắt buộc
Đối tượng tham gia
Theo Quyết định số 959/QĐ-BHXH, trường hợp người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong doanh nghiệp bao gồm :
- Người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, bao gồm trường hợp HĐLĐ ký kết giữa doanh nghiệp và người đại diện pháp luật của người dưới 15 tuổi;
- Áp dụng từ ngày 01/01/2018 đối với người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
- Người quản lý doanh nghiệp.
Từ ngày 01/01/2018, người lao động là công dân nước ngoài có giấy phép lao động/ chứng chỉ hành nghề/ giấy phép hành nghề là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc..
Mức đóng và trách nhiệm đóng
Thay vì chia mức đóng khác nhau theo giai đoạn như quy định cũ, Khoản 1 Điều 5 Quyết định số 959/QĐ-BHXH đưa ra mức đóng cụ thể hàng tháng cụ thể đối với người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, người quản lý doanh nghiệp thì mức đóng sẽ bằng 8% mức liền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Khoản 2.1 Điều 5 Quyết định số 959/QĐ-BHXH cũng làm rõ mức đóng hàng tháng của doanh nghiệp trên quỹ tiền lương đóng BHXH cho người lao động:
- 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;
- 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Tiền lương đóng BHXH bắt buộc
Theo Khoản 2.1 Điều 6, tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động là tiền lương ghi trong HĐLĐ. Liên quan các khoản phụ cấp, Quyết định số 959/QĐ-BHXH có hướng dẫn:
- Từ ngày 1/1/2016, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động.
- Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Trường hợp mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điều này cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 20 tháng lương cơ sở.
Bảo hiểm thất nghiệp
Đối tượng tham gia
Người lao động làm việc theo HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc thuộc các trường hợp sau là đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (“BHTN”):
- HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn
- HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn
- HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Doanh nghiệp lưu ý, người đang được hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng và người giúp việc gia đình có giao kết HĐLĐ với doanh nghiệp không thuộc đối tượng tham gia BHTN.
Mức đóng và trách nhiệm đóng
Quyết định số 959/QĐ-BHXH vẫn giữ nguyên mức đóng của người lao động và doanh nghiệp là 1%. Mức hỗ trợ của Nhà nước theo quy định mới tối đa là 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN.
Tiền lương tháng đóng BHTN
Tiền lương tháng đóng BHTN của người lao động trong doanh nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc nêu tại Mục 1.c bài viết này.
Trường hợp mức tiền lương tháng của người lao động cao hơn 20 tháng tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.
Bảo hiểm y tế
Người lao động và doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm y tế đối với các trường hợp HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và người lao động là người quản lý doanh nghiệp.
Quyết định số 959/QĐ-BHXH có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2015 thay thế cho Quyết định số 1111/QĐ-BHXH.