Quy định thời hạn tái cấp vốn lãi suất 0 đồng cho Vietnam Airlines
Theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 04/2021/TT-NHNN tái cấp vốn cho Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn do đại dịch...
Theo quy định này, NHNN tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng (TCTD) sau khi TCTD cho Tổng Công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines, VNA) vay và quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của VNA do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo đó, tổng số tiền tái cấp vốn tối đa là 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm.
Thời hạn tái cấp vốn tối đa bằng thời hạn cho vay của khoản cho vay VNA và không vượt quá 364 ngày, khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 02 lần, thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn, tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn không vượt quá 03 năm. Như vậy các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ của VNA trong thời hạn tối đa không quá 03 năm nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2024, các TCTD được giữ nguyên nhóm nợ và thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của VNA.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, liên quan đến vấn đề tái cơ cấu, cấp vốn cho VNA, NHNN cũng đã có 02 văn bản chỉ đạo các TCTD triển khai ngay các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA. Đầu tháng 5/2021 NHNN đã chủ trì họp với 10 TCTD, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn, VNA để triển khai giải pháp tái cấp vốn cho TCTD cho vay VNA.
Tại cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN đã yêu cầu các TCTD có quan hệ tín dụng với VNA tiếp tục duy trì hạn mức tín dụng cho VNA; các TCTD khẩn trương xem xét tài trợ cho VNA số tiền 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn NHNN theo đúng quy định hiện hành. Đến ngày 28/05/2021, có 3 TCTD là Seabank, MSB và SHB có văn bản cam kết cho vay đủ 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN.
Ngày 7/7, Hợp đồng tín dụng giữa các TCTD và VNA theo chế độ cho vay được phê duyệt trên đã chính thức được ký kết. Đây là bước quan trọng cuối cùng để gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng được giải ngân. Sau khi được giải ngân, VNA dự kiến dùng số tiền này để thanh toán khoản nợ quá hạn, thanh toán dịch vụ sản xuất kinh doanh phát sinh, không dùng cho các hoạt động đầu tư. Có thể nói, việc các TCTD đồng ý cho VNA vay 4.000 tỷ đồng chia sẻ với quá trình ứng phó, vượt qua khủng hoảng và khả năng phục hồi, phát triển của doanh nghiệp…
Được biết, giải pháp cho vay tái cấp vốn nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020, góp phần giúp VNA vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong những giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước sở hữu 86,19% cổ phần. Hiện tại, VNA cho biết đang triển khai các bước theo quy định liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng, hoàn tất thủ tục vào cuối quý 3/2021.