Quy định về đấu giá tài sản cần thống nhất, khả thi trong thực tế
Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản chiều 21/5, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu rà soát, bổ sung các quy định về hành vi bị cấm, người được đăng ký tham gia đấu giá nhằm đảm bảo thống nhất trong quá trình thực hiện cũng như khả thi trong thực tế.
Quy định rõ hơn các hành vi bị cấm
Góp ý về hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 9 dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị làm rõ hơn hành vi cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản.
Đại biểu cho rằng, nên cân nhắc thêm việc quy định hành vi này là “cố ý” hay chỉ cần quy định hành vi “cung cấp thông tin…”. Theo Đại biểu, để xác định thế nào là hành vi cố ý là khá khó, cần phải có quy định cụ thể thế nào là “cố ý” để tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong quá trình thực thi. Do đó, Đại biểu cho rằng, trong trường hợp này không cần quy định “cố ý”, chỉ cần quy định có hành vi “cung cấp thông tin…”
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cũng đề nghị bổ sung thêm nội hàm của hành vi này không chỉ cung cấp thông tin không chính xác mà còn cung cấp thông tin không trung thực, không đầy đủ. Đại biểu cho biết, trên thực tế đã có tình trạng tổ chức đấu giá không trung thực, không đầy đủ trong việc kê khai thông tin trong hồ sơ theo hướng có lợi cho tổ chức mình và người có tài sản cũng không và chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc xem xét, xác minh hồ sơ dẫn đến việc lựa chọn tổ chức đấu giá không phù hợp.
Cũng bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản tại khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật như: gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện, không thực hiện việc đấu giá tài sản hoặc thực hiện việc đấu giá tài sản không đúng quy định.
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nêu, tại Khoản 1, Điều 39 có quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác. Theo Đại biểu, đây cũng là một hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc chuyển nội dung của khoản 1 Điều 39 này vào các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9 cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất và tránh các hành vi bị nghiêm cấm là quy định rải rác ở các điều luật khác nhau.
Đảm bảo khả thi trong thực tế
Thảo luận về quy định người đăng ký tham gia đấu giá, đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, dự thảo Luật quy định những người sau đây không được đăng ký tham gia đấu giá: “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản.”
Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, việc quy định thêm các đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá gồm: "Công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản” là phù hợp với quy định của Khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020; Điều 12, Nghị định số 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Doanh nghiệp 2020; Điều 17a, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013. Qua đó, giúp tránh được tình trạng thông đồng dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị không nên bổ sung nhóm đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá là “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột". Đại biểu lo ngại quy định này không kiểm soát được sẽ dẫn đến sai sót mà sau khi đấu giá xong mới phát hiện người tham gia đấu giá có quan hệ hôn nhân, huyết thống... phải hủy kết quả trúng đấu giá để đấu giá lại. Điều này sẽ tạo ra hệ lụy rất lớn, gây tốn kém, lãng phí do việc phải tổ chức đấu giá lại. Bên cạnh đó, có thể xảy ra việc tổ chức đấu giá tài sản phải đối diện với tranh chấp, khiếu kiện phức tạp.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng cho hay, khi tổ chức cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá chuyên nghiệp không thể biết hết quan hệ trong gia đình trong số những người tham gia đấu giá là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột… và không có điều kiện để xác minh các thông tin nói trên.
Đại biểu đề nghị cân nhắc việc đưa nội dung này vào dự thảo Luật; nếu đưa nội dung này vào thì cần có cơ chế để thực hiện, đảm bảo tính khả thi trong thực tế, cũng như đảm bảo quyền của cá nhân khi tham gia đấu giá.