Quy định về quản lý phí và lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh


Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 25/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/5/2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh, tem AB có mức từ 5.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/lần cấp. Phí cấp thị thực và các giấy tờ khác có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú cho người nước ngoài có mức từ 5 USD đến 155 USD/chiếc, thẻ, người. 

Về quản lý phí, lệ phí, Thông tư quy định rõ tổ chức thu lệ phí nộp 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu lệ phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.

Chậm nhất là ngày thứ năm hàng tuần, tổ chức thu phí, lệ phí phải gửi số tiền phí, lệ phí đã thu của tuần trước vào tài khoản phí, lệ phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tuy nhiên, theo Thông tư số 25/2021/TT-BTC, trường hợp tổ chức thu phí là Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực Thuộc trung ương; Công an xã, phường, thị trấn được trích lại 20% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.

Trong đó, các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí bao gồm cả các khoản chi hỗ trợ để thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, chi phí đi lại, ăn ở, thuê phiên dịch, canh giữ người nước ngoài bị lưu giữ; chi khám chữa bệnh khi người nước ngoài bị ốm; áp giải người nước ngoài cư trú trái phép, vi phạm pháp luật về nước. Chỉ sử dụng tiền phí trích lại để hỗ trợ các nội dung chi này khi cơ quan đại diện của nước có công dân vi phạm không chịu kinh phí hoặc không có cơ quan đại diện của nước có công dân vi phạm pháp luật ở Việt Nam.

Trường hợp có công bố dịch bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức thu phí được quyết định chi các nội dung chi nêu trên và các chi phí trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong xử lý các trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật.

Thứ hai, chi tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý xuất nhập cảnh.

Thứ ba, chi ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ công tác quản lý xuất nhập cảnh.

Thứ tư, chi phục vụ đàm phán, hợp tác đối với đối tác nước ngoài phục vụ công tác cấp thị thực và các giấy tờ liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài.

Thứ năm, bổ sung thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý xuất nhập cảnh theo quy định của pháp luật (nếu có).

Còn lại 80% số tiền phí thu được sẽ nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, tiêu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Đối với tổ chức thu phí là Cục Lãnh sự, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước, trừ trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP. Theo đó, tổ chức này được trích lại 20% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư số 07/2020/TT-BTC ngày 03/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và 80% tiền phí thu được còn lại sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.