Từ 1/1/2018, áp dụng danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam 2017
Ngày 27/6/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 65/2017/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XK, NK) Việt Nam. Ngày 20/7, Tổng cục Hải quan đã có thông tin chính thức về việc ban hành danh mục này.
Thêm vào đó, Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam sẽ cập nhật thay đổi về mô tả, công nghệ, kỹ thuật và phân loại hàng hóa trên nền AHTN 2017 để phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu thị trường, đồng bộ với Biểu thuế hài hòa chung ASEAN và HS 2017 của Hải quan thế giới về mô tả, chú giải và mã hàng trong giai đoạn mới, tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập và trao đổi thương mại trong khu vực và thế giới.
Theo Tổng cục Hải quan, Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam mới này đã được chuẩn hóa các khái niệm trong việc phân loại hàng hóa XK, NK; giúp cơ quan quản lý và doanh nghiệp hoạt động XNK sử dụng các tên gọi và mã số có tính chuẩn mực, giúp doanh nghiệp phân loại các sản phẩm giao dịch được dễ dàng, tránh tình trạng hiểu “nước đôi” gây tranh cãi giữa doanh nghiệp và hải quan, đồng thời ngăn chặn được hành vi gian lận thương mại qua việc khai báo mã số hàng hóa.
Cụ thể, Danh mục gồm 21 phần, 97 chương, 1.039 nhóm ở cấp độ 4 số, 1.859 phân nhóm ở cấp độ 6 số và được chi tiết thành 10.813 mã hàng ở cấp độ 8 số, tuân thủ hoàn toàn theo Danh mục HS 2017 của Tổ chức Hải quan thế giới và Danh mục Hài hòa thuế quan của ASEAN phiên bản 2017.
Theo đó, Danh mục mới tăng 1.255 mã hàng so với danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam ban hành theo quy định cũ (Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/07/2015).
Ngoài ra, tại Thông tư mới có 2.321 mã hàng có mô tả mới để chi tiết những thay đổi về công nghệ, kỹ thuật, đặc tính thương mại, tiêu chuẩn môi trường, đáp ứng nhu cầu quản lý và xu hướng thương mại quốc tế trong bối cảnh hội nhập.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cho biết, trong quá trình xây dựng Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam, Bộ đã tổ chức các đợt làm việc tập trung, các hội thảo chuyên đề với các bộ, ngành có liên quan, hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp để rà soát và thống nhất ý kiến về các nội dung chi tiết tại Danh mục.
Bộ cũng đã gửi lấy ý kiến UBND các tỉnh, thành phố, đăng tải trên các Cổng Thông tin của Chính phủ và Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp.
Danh mục được xây dựng theo nguyên tắc tuân thủ cam kết quốc tế, áp dụng các thuật ngữ chuyên ngành trong mô tả hàng hóa, đưa các trích dẫn nguồn tra cứu cuối chương như “Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam” để giải thích rõ về mặt hàng…
Những thay đổi so với quy định cũ tập trung vào một số nhóm ngành gồm: Ô tô, thủy sản, gỗ, hóa chất, sản phẩm ốp/lát bằng gốm sứ, máy móc thiết bị,… là những ngành hàng có sự phát triển về công nghệ, kỹ thuật hoặc dịch chuyển thương mại, cần tăng cường quản lý về môi trường, hóa chất độc hại…
Nội dung thay đổi nổi bật là ngành ô tô được chi tiết thêm các mã hàng của ô tô điện, xe điện, các loại xe có động cơ kết hợp (xe hybrid) xăng-điện, dầu-điện.
Còn ngành hàng thuốc trừ côn trùng, diệt nấm, diệt cỏ được chi tiết mô tả của các mặt hàng có chứa chất chống sốt rét. Ngành thủy sản chi tiết tên gọi của một số loại cá có kim ngạch thương mại cao hoặc bổ sung tên khoa học của các loài cá, phụ phẩm cá để thuận lợi cho công tác quản lý.
Tổng cục Hải quan cho biết thêm, để bảo đảm việc triển khai thực hiện Danh mục mới từ ngày 1/1/2018, Bộ Tài chính đang khẩn trương tiến hành chuyển đổi các biểu thuế XNK ưu đãi (MFN) và các biểu thuế FTA theo Danh mục mới, bảo đảm các cam kết song phương, đa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để rà soát trên 200 Danh mục quản lý chuyên ngành nhằm áp dụng thống nhất và chuẩn hóa theo Danh mục mới.