Quý I/2020, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt giá trị gần 2 tỉ USD


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2020, giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lên tới 2.523 lượt, với tổng giá trị gần 2 tỉ USD.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Quý I/2020, do tác động của dịch Covid-19, thị trường chứng khoán thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng cùng lao dốc, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng loạt bán ra, đẩy giá nhiều cổ phiếu xuống dưới giá trị thực. Nhiều cổ phiếu mất đến 50%-60% thị giá, trong khi giá trị nội tại của doanh nghiệp vẫn tốt.

Tuy nhiên, tại thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài lại có động thái mua vào số lượng lớn cổ phiếu nhằm nâng tỉ lệ sở hữu tại doanh nghiệp niêm yết.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I, giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lên tới 2.523 lượt, với tổng giá trị gần 2 tỉ USD. Trong đó, 455 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 710 triệu USD và 2.068 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,25 tỉ USD.

Mới đây nhất, trong tháng 3, nhóm quỹ thuộc VinaCapital vừa công bố đã mua lượng lớn cổ phiếu PHR của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa, nâng tỉ lệ sở hữu lên gần 5%. JPMorgan Vietnam Opportunities Fund thông báo đã chuyển nhượng 2 triệu cổ phiếu Ngân hàng Quân đội (MBB) cho Vietnam Growth Stock Income Mother Fund, trị giá khoảng 34 tỉ đồng; ngày 13/4, Aquila SPC (liên quan đến Dragon Capital) cũng chuyển nhượng 420.000 cổ phiếu MWG cho Arisaig Asia Consumer Fund...

Theo các chuyên gia tài chính, giá nhiều cổ phiếu trên sàn đã bị định giá thấp so với giá trị doanh nghiệp, điều này hiếm có ở các thị trường phát triển. Vì vậy, những cổ phiếu này đã hút nguồn tiền từ các nhà đầu tư lớn.

Theo phân tích của TS. Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính doanh nghiệp, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, khủng hoảng là cơ hội cho phía muốn thâu tóm. Thời gian qua, nhiều cổ phiếu giảm mạnh đến 70%-80% thì không có lý gì những doanh nghiệp, quỹ đầu tư có tiền lại không mua vào.

Theo Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp, việc mua cổ phiếu công ty mình trong lúc thị giá giảm quá sâu mục đích chính là nhằm tránh bị các nhà đầu tư lớn gom mua với mục đích nâng tỉ lệ sở hữu, thay đổi thành viên HĐQT, đây là điều mà không lãnh đạo công ty nào mong muốn.

Còn theo giám đốc một quỹ đầu tư lớn, bản thân lãnh đạo, cổ đông nội bộ các doanh nghiệp niêm yết rất sợ bị thâu tóm, bị thay đổi cơ cấu cổ đông. Bởi lẽ, giai đoạn này là cơ hội tốt để các nhà đầu tư lớn thực hiện vì giá cổ phiếu DN đã giảm khá sâu.

Theo đó, khả năng thâu tóm cao thường xảy ra ở các doanh nghiệp mà chủ sở hữu ban đầu nắm cổ phiếu ít. Các quỹ hay nhà đầu tư lớn chỉ cần mua vài chục phần trăm để trở thành cổ đông chiến lược là có thể chi phối hoạt động doanh nghiệp . Còn với doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ khó thâu tóm vì phải nắm trên 51% cổ phần.

Riêng với các doanh nghiệp mà chủ sở hữu nắm 40%-50%, nhà đầu tư thường tăng tỉ lệ sở hữu với mong muốn có được tiếng nói trong doanh nghiệp hoặc để tham gia HĐQT. Đây là mục đích chính mà các quỹ và nhà đầu tư lớn hướng tới trong giai đoạn hiện nay.

Điều này lý giải vì sao thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp trên sàn đăng ký mua cổ phiếu quỹ; các thành viên HĐQT, ban điều hành, cổ đông nội bộ... cũng đua nhau mua hàng triệu cổ phiếu vừa để đầu tư vừa để chống hoạt động mua gom, thâu tóm của doanh nghiệp đối thủ và các quỹ đầu tư "cá mập".