Quy mô nền kinh tế "ngầm" ở Việt Nam tương đương 25-30% GDP

PV.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát. Theo một kết quả nghiên cứu của Đại học Fulbright đã cho thấy, quy mô khu vực kinh tế "ngầm" ở Việt Nam tương đương 25-30% GDP.

Quy mô nền kinh tế "ngầm" ở Việt Nam tương đương 25-30% GDP. Nguồn: Internet
Quy mô nền kinh tế "ngầm" ở Việt Nam tương đương 25-30% GDP. Nguồn: Internet

Quy mô tương đương 25-30% GDP

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố: Hoạt động kinh tế "ngầm"; Hoạt động kinh tế phi pháp; Hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; Hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu; Hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.

Trong đó, hoạt động kinh tế "ngầm" bao gồm các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu diếm một cách chủ ý nhằm tránh thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, với người lao động và với xã hội như mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, điều kiện sức khỏe, tay nghề, bằng cấp…, tránh các thủ tục pháp lý, hành chính như báo cáo tài chính, báo cáo thống kê hoặc các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh vi phạm pháp luật chỉ bị xử phạt hành chính, chưa đến mức xử lý hình sự..

Một kết quả nghiên cứu của Đại học Fulbright đã cho thấy, quy mô khu vực kinh tế "ngầm" ở Việt Nam tương đương 25-30% GDP. Theo ý kiến chuyên gia kinh tế, công tác thống kê khu vực kinh tế "ngầm" là cần thiết vì ngoài góc độ là bảo đảm về thu thuế, quan trọng hơn là bảo vệ phúc lợi cho người lao động ở khu vực kinh tế này.

Những người lao động trong khu vực này thường không tiếp cận được với mạng lưới an sinh xã hội, cho nên chính thức hóa để tăng tỷ lệ tiếp cận về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là rất quan trọng. Nhưng muốn đưa khu vực này vào khu vực chính thức thì cần khuyến khích các hộ gia đình phát triển lớn mạnh để trở thành các doanh nghiệp bằng cách tạo môi trường kinh doanh tốt và chính sách tốt.

Ngoài ra, với mục đích là Nhà nước có thể thu được thuế từ khu vực phi chính thức này (cụ thể là hộ gia đình), hình thức đóng thuế của hộ gia đình chủ yếu là thuế khoán còn nguồn thuế lớn là VAT không thu được mấy, do đó chúng ta có thể khuyến khích người tiêu dùng giữ hóa đơn để thu được thuế từ hộ gia đình.

Học từ các nước, họ kích thích người tiêu dùng lấy hóa đơn VAT bằng cách khuyến khích đánh vào kinh tế, chẳng hạn như định kỳ hàng tháng cơ quan thuế sẽ quay số trúng thưởng để động viên người tiêu dùng giữ hóa đơn. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi hệ thống thuế phải làm việc nhiều hơn, có nhiều sáng kiến hơn”.

Đề án tính toán đầy đủ hơn quy mô GDP

Chính phủ muốn có được con số GDP chính xác thì cần phải có bước đi dài hơi hơn cả về mặt thể chế và kỹ thuật đó là phải có cơ quan chuyên môn độc lập không nằm ở bộ, ngành nào để thẩm định và quyết định về mặt khoa học, có ủy ban của Quốc hội giám sát chặt chẽ, khi đó mới hy vọng độc lập về phương pháp, thu thập số liệu và kết quả.

Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê nói chung và nghiệp vụ biên soạn tài khoản quốc gia nói riêng, từng bước tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ thống kê quốc tế; Góp phần bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế.

Đề án yêu cầu phải nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát; Khảo sát, đánh giá toàn diện thực trạng khu vực kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế; Xây dựng danh mục các hoạt động kinh tế phản ánh phạm vi, quy mô của khu vực kinh tế này; phương pháp đo lường.

Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả thử nghiệm, hằng năm tiến hành đo lường chính thức, cập nhật kết quả biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chỉ tiêu tài khoản quốc gia khác theo phương pháp sản xuất. Các số liệu ước tính, sơ bộ, chính thức; các kỳ biên soạn, công bố, phổ biến quý I, quý II, 6 tháng, quý III, 9 tháng và cả năm của các chỉ tiêu này thực hiện theo Luật Thống kê ngày 23/11/2015 và các văn bản liên quan khác.

Giải pháp chủ yếu của đề án là khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện thực trạng các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo 5 nhóm hoạt động của ba khu vực kinh tế (Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ); loại hình sở hữu (Kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài); ngành, lĩnh vực; địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tiêu thức khác. Trên cơ sở đó, xây dựng danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát.

Xây dựng, ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát, bảo đảm tính toàn diện và khả thi, phù hợp với khả năng thu thập thông tin của ngành Thống kê và các cơ quan, tổ chức liên quan, trong đó quy định rõ ràng, đầy đủ tiêu thức phân tổ, kỳ thu thập thông tin, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập. Định kỳ rà soát, cập nhật bổ sung Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào để đáp ứng yêu cầu với thực tế.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê, góp phần nâng cao hiệu quả đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát. Sử dụng đồng thời ba hình thức: Điều tra thống kê, báo cáo thống kê và khai thác dữ liệu hành chính trong thu thập thông tin.

Kịp thời cài đặt nội dung khu vực kinh tế chưa được quan sát vào các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện có (Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê của các bộ, ngành; hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã); bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Tăng cường phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát giữa các bộ, ngành, địa phương; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế về đăng ký sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước và nghĩa vụ xã hội của các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế; quy định về sử dụng lao động, đào tạo nghề, cung cấp tín dụng, mức đóng và hưởng bảo hiểm xã hội; quy định về xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và các quy định khác, góp phần đánh giá chính xác và thu hẹp phạm vi, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Tăng cường hợp tác quốc tế về thống kê, cập nhật lý luận, phương pháp nghiệp vụ tiên tiến và kinh nghiệm đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát của các nước, hướng tới thực hiện mục tiêu nâng mức độ biên soạn Hệ thống tài khoản quốc gia của Thống kê nước ta theo Khung đánh giá của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc từ mức 2/6 năm 2008, lên đạt mức 4/6 vào năm 2020 và mức 6/6 vào năm 2030 đề ra trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị IMF hỗ trợ Việt Nam đánh giá, cập nhật thông tin, thống kê về khu vực kinh tế chưa quan sát được - khu vực kinh tế phi chính thức. Theo Thủ tướng, với chuyên môn và kinh nghiệm của mình, IMF có thể giúp Việt Nam trong việc tính toán khu vực kinh tế này một cách khách quan, chặt chẽ, trung thực, khoa học. Vì khu vực này được cho là chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam.