Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng:

Quyết liệt thu hồi vốn tạm ứng xây dựng cơ bản

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Từ nhiều năm nay, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng đã rất tích cực đưa ra các giải pháp thu hồi vốn tạm ứng đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước. Do đó, số dư vốn tạm ứng tại đơn vị luôn ở mức thấp, nguồn vốn đầu tư được phát huy hiệu quả.

Để thu hồi vốn tạm ứng xây dựng cơ bản hiệu quả cần theo dõi chặt chẽ tiến độ các dự án đang được triển khai.
Để thu hồi vốn tạm ứng xây dựng cơ bản hiệu quả cần theo dõi chặt chẽ tiến độ các dự án đang được triển khai.

Tích cực thu hồi vốn tạm ứng 

Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đà Nẵng cho biết, tính đến thời điểm này, đơn vị đã thu hồi được gần 466 tỷ đồng vốn tạm ứng của 246 dự án của năm 2014 chuyển sang và gần 697 tỷ đồng của 364 dự án của năm 2015. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, đơn vị đã thu hồi vốn tạm ứng của 164 dự án, với số tiền trên 335 tỷ đồng.

Để có kết quả này, theo lãnh đạo KBNN Đà Nẵng, đơn vị đã phải chủ động rà soát số dư nợ tạm ứng từ năm 2014 trở về trước và gửi văn bản đến các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để đôn đốc thu hồi. Đồng thời, kết hợp việc theo dõi chặt chẽ của kiểm soát viên theo tiến độ các dự án đang được triển khai.

Bên cạnh đó, KBNN thành phố cũng phân loại các nguyên nhân dẫn đến việc nợ tạm ứng còn tồn đọng cần giải quyết. Theo đó, có 2 nguyên nhân chính được chỉ ra: Một là, đối với tạm ứng vốn đền bù giải phóng mặt bằng, trong quá trình thực hiện, nhân dân không đồng tình với mức đền bù nên chưa chịu nhận tiền. Hai là, đối với nhóm dự án đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), có một số dự án do bị đình chỉ, giãn tiến độ hoặc dừng theo quyết định của cấp có thẩm quyền, tuy nhiên, không được chủ đầu tư hoàn chỉnh thủ tục quyết toán khối lượng dang dở, phân định trách nhiệm rõ ràng nên việc tồn đọng kéo dài nhiều năm.

Hơn nữa, theo KBNN Đà Nẵng, các ban quản lý dự án thường được chủ đầu tư giao nhiều dự án khác nhau, trong khi tính chất, thời lượng xử lý các nguồn vốn phức tạp nên các ban quản lý chậm làm thủ tục thanh toán thu hồi tạm ứng. Một số dự án giao cho nhà thầu thi công thiếu năng lực dẫn đến phải thay thế nhà thầu phụ, nhất là đối với một số dự án thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư…

Từ việc phân tích rõ các nguyên nhân, KBNN Đà Nẵng đã phối hợp với các cơ quan liên quan như Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính để báo cáo, đề xuất với UBND thành phố tìm hướng giải quyết, xử lý thu hồi tạm ứng năm 2016, cũng như của các năm trước chuyển sang. Đồng thời, thực hiện áp dụng cơ chế tạm ứng của thành phố (trừ trường hợp đặc biệt sẽ có ý kiến của chủ tịch UBND).  

Giải pháp mạnh cho thời gian tới

Mặc dù rất tích cực, nhưng theo KBNN Đà Nẵng, trong quá trình thực hiện, đơn vị vẫn gặp phải một số vướng mắc như: Các dự án, nhất là các hạng mục đền bù, mặc dù đã được phê duyệt quyết toán hoàn thành, nhưng vẫn có một số ban quản lý không hoàn trả lại số dư đã tạm ứng. Chính vì sự chây ì này đã làm cho số nợ đọng vốn bị kéo dài nhiều năm….

Do đó, để tăng cường thu hồi vốn đầu tư dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN), KBNN Đà Nẵng đã đề xuất: Chủ đầu tư phải gắn trách nhiệm cụ thể đối với các ban quản lý dự án chuyên ngành khẩn trương thanh toán để thu hồi tạm ứng vốn đối với dự án đã hoàn thành, làm thủ tục tất toán tài khoản ngay sau khi quyết toán với KBNN.

Chính quyền thành phố hạn chế bố trí vốn đầu tư cho các nhà thầu thực hiện dự án có số dư nợ tạm ứng còn lớn tại KBNN; thực hiện điều chuyển, cắt giảm vốn đầu tư đối với phần kế hoạch vốn chưa giải ngân của những đơn vị chậm triển khai dự án sau khi đã được tạm ứng vốn tại KBNN.

Đặc biệt, thành phố cần có biện pháp, chế tài mạnh hơn kể cả đối với dự án đền bù giải phóng mặt bằng và dự án đầu tư XDCB. Đồng thời, KBNN được phép xử phạt hành chính trong lĩnh vực KBNN đối với các chủ đầu tư vi phạm thời gian thanh toán tạm ứng và thông báo đến chủ đầu tư để thực hiện đồng bộ với các giải pháp trên.