Quyết liệt thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đã được phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia


Đoàn giám sát đề nghị các địa phương trong thời gian tới cần quyết liệt thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương đã được phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, có cơ chế huy động các nguồn lực khác để thúc đẩy việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát báo cáo tại phiên họp chiều 17/8. Ảnh: Duy Linh
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát báo cáo tại phiên họp chiều 17/8. Ảnh: Duy Linh

Chiều 17/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương còn chậm

Báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều hoạt động giám sát, nắm bắt kịp thời những vấn đề vướng mắc của địa phương để kịp thời chỉ đạo, giải quyết.

Cụ thể, Chính phủ đã rà soát, tổng hợp 339 kiến nghị của địa phương và ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg phân công, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành cơ quan liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, trả lời địa phương và tham mưu, sửa đổi văn bản theo thẩm quyền còn có nhiều vướng mắc.

“Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đã có tác động, góp phần nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn và đặc biệt khó khăn”, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Duy Linh
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Duy Linh

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong thực tế triển khai thực hiện. Cụ thể, năng lực một số cán bộ theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều hạn chế so với yêu cầu, nhất là ở các tỉnh, huyện, xã nghèo miền núi, biên giới, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chương trình.

Cán bộ giúp việc Ban Quản lý cấp xã để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, nên công tác tổng hợp báo cáo số liệu đôi khi chưa đầy đủ. Còn có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh.

Bên cạnh đó, mặc dù về số lượng các văn bản quản lý đến nay cơ bản đã hoàn thành, nhưng qua giám sát nhiều địa phương phản ánh số lượng văn bản quá nhiều, hơn 300 văn bản của cả Trung ương và địa phương. Nhiều nội dung hướng dẫn tuy đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa rõ ràng, khó thực hiện.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, việc lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia khó thực hiện; tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2021 chuyển sang thực hiện năm 2022) và giai đoạn 2021-2025 còn chậm.

Tỷ lệ đối ứng vốn địa phương cao, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong khi nguồn thu ngân sách nhiều địa phương hạn chế.

Việc giao các tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu là rất khó khăn, nhất là đối với tỉnh nghèo.

Đáng chú ý, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương ban hành văn bản hướng dẫn và giao vốn kế hoạch trung hạn vốn đầu tư và hằng năm còn chậm; trong khi đó, nhiều nội dung khi giao vốn không phù hợp, không có đối tượng để thực hiện. Quy định tỷ lệ vốn đối ứng tăng đang tạo ra áp lực, khó khăn đối với các tỉnh, huyện xã nghèo, ngân sách bao cấp chi thường xuyên hàng năm.

Chú trọng giải pháp về sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân

Từ thực tế nêu trên, Đoàn giám sát đề xuất một số giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới, theo đó cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững thiết thực, hiệu quả”.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai các chương trình. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cho việc triển khai các nội dung về an sinh xã hội; các dự án đầu tư, hỗ trợ trực tiếp về phát triển nhân lực, hỗ trợ sản xuất.

Quang cảnh phiên họp. 
Quang cảnh phiên họp. 

Cả 3 chương trình đều có điểm chung là hướng đến người nghèo, vùng nông thôn, dân tộc thiểu số khó khăn. Vì vậy, Đoàn giám sát cho rằng, giải pháp về sinh kế, nâng cao thu nhập cần phải được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Song song với quá trình đầy mạnh sản xuất hàng hóa cũng cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập; thu hút lao động có trình độ về làm việc ở vùng này.

Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành; có biện pháp phòng ngừa, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, ban hành bộ tài liệu/cẩm nang/sổ tay hướng dẫn chi tiết, tích hợp cụ thể các văn bản triển khai 3 chương trình.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng Trang thông tin điện tử riêng về 3 chương trình mục tiêu quốc gia thuộc Cổng thông tin điện tử Chính phủ để thông tin trao đổi, phản hồi nhanh, kịp thời, công khai, minh bạch về kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại từng địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy giải ngân nguồn vốn Trung ương và địa phương đã được phân bổ cho các chương trình; cũng như có cơ chế huy động các nguồn lực khác để thúc đẩy việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo Văn Toản/nhandan.vn