Quyết sách phát triển doanh nghiệp tư nhân: Quan trọng là khâu thực hiện
Theo nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lưu Bích Hồ, vấn đề phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một trong những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 5 là sự động viên rất lớn với người dân, doanh nghiệp. Và điều mong đợi hơn cả là từ những quyết sách của Trung ương lần này, sẽ có sự thay đổi mạnh từ khâu tổ chức thực hiện, để chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Cần giải pháp căn cơ hơn
Phóng viên: Chiều qua, Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Ông đánh giá như thế nào về nội dung này?
Ông Lưu Bích Hồ: Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, và nêu ra được một số định hướng chính sách, nhưng vẫn có nhiều vấn đề cụ thể cần được giải quyết. Chính phủ đã và đang có nhiều động thái thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, nhất là trong cải cách chính sách, pháp luật để hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Song thực tế đang đòi hỏi phải có những quyết sách căn cơ hơn, giúp tháo cởi những vướng mắc, khó khăn về chính sách, pháp luật liên quan đến khu vực kinh tế này. Vì vậy, dư luận xã hội rất quan tâm đến quá trình thảo luận của Hội nghị Trung ương 5 về chủ đề phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Trong vài năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân đã tăng trưởng giảm về nguồn vốn và lao động. Vậy vấn đề nào cần tháo gỡ nhất để thúc đẩy khu vực này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới?
Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân đầu tháng 4 vừa qua, đa số doanh nhân tư nhân phát biểu đều đưa ra quan điểm cần dứt khoát chấm dứt sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Kinh tế tư nhân chỉ có thể phát triển trong môi trường được cạnh tranh bình đẳng, cũng như tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương được nêu rõ trong các văn kiện của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: Nền kinh tế nước ta là nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, có sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không có đối xử phân biệt.
Tất nhiên, Hội nghị Trung ương 5 không thể bàn quá sâu về các giải pháp cụ thể, mà tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, cũng như những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt, triển khai thực hiện để kinh tế tư nhân phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Do đó, khâu quan trọng nhất vẫn là việc nhanh chóng cụ thể hóa các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đó từ phía Quốc hội và Chính phủ, đáp ứng mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp. Nhìn vào dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) Khóa XIV sẽ khai mạc trong tháng 5 này, dễ thấy nhiều vấn đề cần được tháo gỡ, tạo điều kiện để doanh nghiệp bứt phá dự kiến được đưa ra QH cho ý kiến, xem xét thông qua.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra yêu cầu cần định ra giải pháp để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, đúng đắn và lành mạnh hơn. Có thể hiểu như thế nào về yêu cầu này, thưa ông?
Yêu cầu phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân đã rõ, khi mà trong một vài năm gần đây tăng trưởng của khu vực này giảm đi. Số lượng doanh nghiệp hiện tăng lên, nhưng quy mô vốn, lao động lại thấp hơn so với giai đoạn trước. Trong khi về nguyên tắc, muốn có nền kinh tế mạnh thì doanh nghiệp phải lớn lên, không thể chững lại hay nhỏ đi.
Yêu cầu khu vực kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh hơn có lẽ bắt nguồn từ thực tế, ngay doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, trung bình cũng không phát triển trên nền quản trị, khoa học công nghệ, nhân sự, lao động tốt… Nhiều doanh nghiệp đang phát triển dựa trên quan hệ thân quen (quan hệ thân hữu).
Quan hệ này không chỉ tồn tại giữa doanh nghiệp nhà nước với Nhà nước, mà còn giữa doanh nghiệp tư nhân với cơ quan quản lý nhà nước. Đây là mô hình không lành mạnh, nên phải ngừng lại và tiến tới chấm dứt. Doanh nghiệp phải đi lên trên đôi chân của mình, đồng thời chú ý thực hiện đầy đủ các trách nhiệm đã được luật định, tránh có tư tưởng chỉ quan tâm đến lợi nhuận, bất chấp hậu quả xã hội, môi trường.
Thể hiện bằng hành động cụ thể
Để tạo dựng khu vực kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh có lẽ không nên chỉ đòi hỏi từ doanh nghiệp, mà cũng cần chú ý trách nhiệm của các cơ quan chức năng, thưa ông?
Hiện nay, dù các cơ quan chức năng chú ý rà soát, bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn, cản trở hoạt động của doanh nghiệp, nhưng hệ thống thủ tục hành chính còn rườm rà. Trong rừng thủ tục hành chính không khó để thấy một số biểu hiện của tiêu cực, tư tưởng xin - cho.
Ngoài ra, muốn hình thành nền hành chính lành mạnh cũng phải chú ý cải cách, đổi mới công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu đổi mới công tác này, nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, mà không chỉ ở các bộ, ngành mà ở ở khâu triển khai tại cấp cơ sở.
Ông kỳ vọng gì vào quyết sách của Hội nghị Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân lần này?
Hội nghị Trung ương 5 đã tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ và giải pháp lớn cần được quán triệt và triển khai thực hiện để kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ, đúng đắn và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Vấn đề phát triển khu vực kinh tế tư nhân được đưa vào thảo luận tập trung tại Hội nghị Trung ương 5 đã tạo sự động viên rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng điều được mong chờ nhiều nhất chính là quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các cơ quan chức năng không cần nói nhiều, mà phải thể hiện bằng hành động cụ thể, để đưa chủ trương, chính sách, pháp luật nhanh chóng vào cuộc sống.
Xin cảm ơn ông!