Thực hiện Ngày pháp luật Tài chính (28/8/2014):

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, tổ chức thi hành văn bản QPPL tài chính

TH

(Tài chính) Là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ Tài chính luôn quan tâm tới công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin pháp luật, giải đáp vướng mắc và hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp bằng nhiều hình thức thiết thực, tạo điều kiện cho việc thực thi pháp luật hiệu quả. Năm nay là năm thứ ba, Bộ Tài chính tổ chức ngày Pháp luật Tài chính, trong đó một trong những mục tiêu trọng tâm được Bộ Tài chính xác định đó là, rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế, hải quan, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhân dịp Ngày pháp luật Tài chính (28/8) và Ngày pháp luật Việt Nam (9/11), PV Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính có bài phỏng vấn ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp Chế xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, Bộ Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn triển khai Ngày pháp luật Việt Nam, đối với riêng ngành Tài chính, việc triển khai Ngày Pháp luật Tài chính 28 tháng 8 năm 2014 sẽ tập trung vào những nội dung gì?
http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/thomyhien/2014_08_26/1646196.JPG
Ông Ngô Hữu Lợi -
Vụ trưởng Vụ Pháp chế


Vụ trưởng Vụ Pháp Chế Ngô Hữu Lợi: Ngày 13/08/2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1982/QĐ-BTC về Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam và Ngày pháp luật tài chính năm 2014. Theo đó xác định 03 nội dung trọng tâm triển khai Ngày pháp luật tài chính là:
- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ soạn thảo các văn bản QPPL thuộc Chương trình của Quốc hội, Chính phủ. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và quyết liệt tổ chức thực hiện hoàn thành đúng tiến độ soạn thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các văn bản QPPL thuộc Chương trình công tác của Chính phủ; phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp, Văn Phòng Chính phủ, Ủy ban của Quốc Hội để hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật trình Quốc hội xem xét và thông qua (tại kỳ họp thứ 8) Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội khóa XIII cho ý kiến (tại kỳ họp thứ 8) Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội khóa XIII cho ý kiến và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực tài chính mới được ban hành như: Luật Hải quan (sửa đổi); Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp…nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết, tạo điều kiện tuân thủ pháp luật cho các đối tượng thi hành.
- Rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế, hải quan trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành các chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.  
PV: Ông có thể đánh giá một số kết quả triển khai “Ngày pháp luật tài chính” và “Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” năm 2013?
Vụ trưởng Vụ Pháp Chế Ngô Hữu Lợi: Năm 2013 là năm thứ ba tổ chức triển khai Ngày pháp luật Tài chính và là năm đầu tiên triển khai Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Theo chỉ đạo của Bộ thì các hoạt động trọng tâm phải gắn với nhiệm vụ xây dựng văn bản QPPL và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, một số kết quả đáng chú ý như sau:
- Được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ, Bộ Tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ soạn thảo trình Quốc hội thông qua dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến Luật Hải quan (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 07 Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực: kế toán, kiểm toán độc lập; thuế; hải quan; giá, phí, lệ phí, hóa đơn; chứng khoán; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước. Đồng thời hoàn thành dứt điểm soạn thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các văn bản QPPL quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Pháp lệnh được Quốc hội khóa XIII thông qua, góp phần giảm tỷ lệ chậm tiến độ, nợ đọng văn bản.
- Triển khai các hoạt động thiết thực trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như: phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2013 về thủ tục hành chính, chính sách Thuế và Hải quan tại Hà Nội (ngày 30/10/2013) với sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp phía Bắc; tại thành phố Hồ Chí Minh (ngày 5/11/2013) với sự tham gia của hơn 600 doanh nghiệp khu vực phía Nam để giải đáp những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện văn bản QPPL thuế, hải quan. Tổng cục Thuế chỉ đạo trong toàn ngành đẩy mạnh công tác hỗ trợ người nộp thuế trong thực hiện văn bản QPPL trong “tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế”; Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan thiết lập đường dây nóng hỗ trợ người nộp thuế, người khai hải quan; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật...
- Tổ chức phổ biến, quán triệt tập huấn triển khai các văn bản mới ban hành đến toàn thể cán bộ, công chức Bộ Tài chính và Doanh nghiệp như Luật giá, Luật Lưu trữ, Luật Cư trú; phổ biến, giải đáp nội dung mới của Thông tư số 232/2012/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2012 về việc hướng dẫn kế toán áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ở nước ngoài.
PV: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là một trong những hoạt động bổ trợ cho thi hành văn bản QPPL, xin ông cho biết về nỗ lực của Bộ Tài chính trong triển khai công tác này?
Vụ trưởng Vụ Pháp Chế Ngô Hữu Lợi: Bộ Tài chính là một Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực nên số lượng văn bản QPPL ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hàng năm là rất lớn; gắn với đó là nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính luôn quan tâm tới công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin pháp luật, giải đáp vướng mắc và hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp bằng nhiều hình thức thiết thực, qua đó, đưa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đi vào thực chất, đáp ứng nhu cầu hiểu biết, nắm vững pháp luật của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho việc thực thi pháp luật hiệu quả, cụ thể như sau:
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động đăng tải kịp thời thông tin soạn thảo văn bản QPPL tài chính để lấy ý kiến đóng góp, phản hồi từ các doanh nghiệp đối với các văn bản QPPL ngay trong quá trình soạn thảo.
- Thực hiện minh bạch hóa, công khai hóa thông tin pháp luật tài chính thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tra cứu pháp luật, tìm hiểu một cách thuận lợi.
- Đẩy mạnh hoạt động đối thoại doanh nghiệp để trực tiếp trao đổi, nắm bắt và xử lý những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong thực hiện văn bản QPPL tài chính.
- Tại địa phương, các cục Thuế, cục Hải quan đã bố trí lực lượng và tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tốt văn bản QPPL và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.
PV: Xin ông cho biết trọng tâm của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2014 của Bộ Tài chính?
Vụ trưởng Vụ Pháp Chế Ngô Hữu Lợi: Căn cứ chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2012 và năm 2013 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trên cơ sở nắm bắt nhu cầu từ các đối tượng thi hành và nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính năm 2014. Lãnh đạo Bộ đã phê duyệt kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2014 với 04 nhóm trọng tâm như sau:
- Tổ chức phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức ngành tài chính nội dung của Hiến pháp năm 2013; các văn bản QPPL có nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động công vụ và đời sống cán bộ, công chức ngành tài chính.
- Đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi đến các đối tượng văn bản pháp luật tài chính mới ban hành như Luật Hải quan, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tiếp tục phổ biến các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn; Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Để triển khai hiệu quả công tác này, phải tiếp tục đổi mới về hình thức thực hiện; tăng cường tập huấn kỹ năng cho đội ngũ làm công tác phổ biến pháp luật; đồng thời huy động sự tham gia của các báo, tạp chí ngành trong thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Triển khai thực hiện “Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” và “Ngày pháp luật Tài chính”.
- Tiếp tục kiện toàn, củng cố đội ngũ Báo cáo viên pháp luật; đồng thời củng cố kiện toàn, tăng cường năng lực các tổ chức Pháp chế tại các đơn vị thuộc Bộ để đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ công tác Pháp chế theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức Pháp chế, trong đó có nhiệm vụ tham mưu triển khai công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật.