Rộng đường cho Brexit?
Với tỷ lệ ủng hộ áp đảo - 494 phiếu thuận/122 phiếu chống - Hạ viện Anh mới đây đã thông qua dự luật cho phép Thủ tướng Theresa May kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, nhằm bắt đầu quá trình đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về Brexit. Đây được xem như động thái mở đường cho bà theo đuổi lộ trình Anh rời EU.
Kết quả này đã chấm dứt nhiều ngày tranh luận gay gắt trong Quốc hội vốn thử thách thế đa số mong manh của bà May trong cơ quan lập pháp về lộ trình Brexit sắp tới. Trước đó, nhiều nghị sĩ ủng hộ việc “ở lại” đã yêu cầu bổ sung một số điều kiện tiên quyết đối với quá trình đàm phán với EU vào dự luật liên quan tới Brexit. Có thể kể đến việc tiếp tục quyền cư trú đối với các công dân EU đang sống ở Anh, hay đề xuất tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai đối với thỏa thuận đạt được với EU sau khi kết thúc đàm phán.
Dự luật về Brexit hiện vẫn cần được Thượng viện Anh phê chuẩn, dự kiến vào đầu tháng 3, trước thời điểm Chính phủ Anh lên kế hoạch sẽ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng tới. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của đảng Bảo thủ cầm quyền và chỉ đạo từ ban lãnh đạo Công đảng yêu cầu các nghị sĩ đảng này ủng hộ dự luật trên, khả năng cao Thượng viện sẽ không bỏ phiếu đi ngược lại kết quả trưng cầu dân ý về Brexit.
Giới phân tích cho rằng, gần như chắc chắn Anh sẽ đi theo kịch bản Brexit “cứng” - tức Anh sẽ từ bỏ tư cách thành viên EU một cách triệt để, rời Thị trường chung châu Âu và Liên minh thuế quan châu Âu - như Thủ tướng Anh Theresa May từng nhiều lần tuyên bố. Trong bài phát biểu quan trọng ngày 17/1, bà đã khẳng định, ưu tiên hàng đầu của nước Anh sẽ là hạn chế nhập cư và chấm dứt các quyền ảnh hưởng của Brussels với hệ thống lập pháp và tư pháp của mình.
Bà cho biết, trong giai đoạn tới Anh sẽ có tầm nhìn hướng ra toàn cầu, tìm kiếm các đối tác mới trên khắp thế giới. Nữ lãnh đạo cũng khẳng định, châu Âu vẫn là đồng minh quan trọng, đối tác thương mại của Anh sau này.
Sách Trắng về Brexit được Chính phủ Anh công bố gần đây cũng nêu rõ, Anh sẽ tìm kiếm thỏa thuận thương mại tự do toàn diện với EU, nhưng không bao gồm quy chế chuyển tiếp vô thời hạn. Những mục tiêu của Anh trong các cuộc đàm phán sắp tới với EU còn bao gồm việc sẽ tiếp tục hợp tác an ninh với EU, duy trì khu vực đi lại chung giữa Anh và Cộng hòa Ireland, cũng như vẫn có những đóng góp hợp lý vào ngân sách EU...
Hơn 7 tháng qua kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý, kinh tế Anh được đánh giá kháng cự tốt trước tác động từ kết quả bỏ phiếu. Kịch bản nền kinh tế thứ 5 trên thế giới lâm vào suy thoái sau Brexit đã không xảy ra - như nhiều cảnh báo được đưa ra trước đó.
Theo báo Guardian, đồng bảng Anh tuy có mất giá đôi chút, nhưng bù lại đã tạo đà cho xuất khẩu, đồng thời kích thích tiêu dùng… Chỉ số chứng khoán London không những không tuột dốc mà còn liên tục tăng giá. Đầu tháng 1, chỉ số FTSE 100 đã tăng lên 37,70 điểm, phá vỡ kỷ lục được thiết lập gần 20 năm qua. Trong Báo cáo Lạm phát mới nhất được công bố hơn 1 tuần trước, Ngân hàng Anh cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Anh trong năm 2017 từ 1,4% được đưa ra vào tháng 11 năm ngoái lên mức 2%.
Tuy nhiên, giới quan sát vẫn đưa ra không ít cảnh báo về hệ lụy kinh tế từ kịch bản Brexit “cứng”. Theo đánh giá của Bruegel - Viện nghiên cứu chiến lược kinh tế có trụ sở ở Brussels (Bỉ), Trung tâm tài chính London có thể mất tới 30.000 việc làm trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, luật và tư vấn; tổn thất tới 8 tỷ euro (tương đương 6,8 tỷ bảng) nguồn thu từ 5 ngân hàng hàng đầu của Mỹ và thiệt hại khoảng 1,8 nghìn tỷ euro giá trị tài sản (tương đương 17% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Anh), do các ngân hàng di rời trụ sở giao dịch khỏi London, sau khi xứ sở sương mù kết thúc quá trình Brexit.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Anh phụ trách Brexit David Davis khẳng định, Chính phủ sẽ nỗ lực đàm phán với EU trên tinh thần có lợi cho cả đôi bên. Ngoài ra, chính quyền London sẽ tìm kiếm một quan hệ đối tác chiến lược mới với EU, cùng thỏa thuận về hải quan và thương mại tự do táo bạo và đầy tham vọng.