Rộng mở vay vốn mua nhà ở
Nếu các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục chính sách ưu tiên phát triển cho vay tiêu dùng, cho vay mua sắm nhà ở thì năm 2018 nhiều người có thu nhập ổn định sẽ có cơ hội tốt khi tiếp cận vốn vay mua nhà ở.
Trong cuộc họp quyết toán cuối năm 2017 với các TCTD ở TP. Hồ Chí Minh tuần qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khuyến khích các ngân hàng chuyển dịch cơ cấu tín dụng, hướng dòng vốn chảy vào lĩnh vực tiêu dùng, không chỉ tập trung quá lớn vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Trước đó, NHNN đã công bố quy định cho phép các TCTD được sử dụng 45% nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (thay vì 40% như quyết định trước đây) theo đó người mua nhà để ở có nhiều cơ hội vay vốn hơn.
Ảnh minh họa |
Theo thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hết năm 2017 tín dụng tiêu dùng đã tăng 14,8% so với năm 2016, trong đó cho vay mục đích mua nhà, sửa chữa nhà để ở chiếm tới 52,9%.
Theo đó, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng tăng từ 12,3% (năm 2016) lên 18% năm 2017. Đặc biệt thị phần tín dụng tiêu dùng của khối NHTM Nhà nước tăng từ 39% (năm 2016) lên 45,7% tổng thị phần toàn hệ thống. Điều này cho thấy không chỉ các công ty tài chính cho vay tiêu dùng tăng nhanh, các NHTM cũng đang có sự chuyển dịch cơ cấu tín dụng hướng vào cho vay tiêu dùng với tỷ lệ lớn là cho vay mua và sửa chữa nhà ở.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, trong năm 2018 ngân hàng này sẽ tập trung mạnh vào mảng bán lẻ, tiêu dùng với mục tiêu tăng trưởng ở mức 18%, thúc đẩy mảng này tăng thêm lợi nhuận 40% so với năm 2017. Trong khi đó, ông Đặng Hoài Đức, Giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM cũng cho hay, năm 2018 chi nhánh ngân hàng này sẽ tiếp tục đầu tư vào mảng tín dụng bán lẻ, duy trì mức tăng trưởng 40% cho cả năm từ đó chuyển dịch cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của các chi nhánh trong hệ thống.
Việc các TCTD đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân với các kỳ hạn dài để mua sắm, sửa chữa nhà ở đặt một số NHTM vào tình trạng phải tìm thêm nguồn vốn cho mảng tín dụng này. Biểu hiện rõ nhất là vào các tháng cuối năm 2017, hàng loạt NHTM đã tìm cách huy động vốn dài hạn bằng phát hành các giấy tờ có giá với lãi suất cao.
Trong đó, VietinBank đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm trong đợt 1 chào bán chỉ trong thời gian từ 25/10 đến 13/11/2017; đợt phát hành thứ hai từ 22/11 đến 22/12/2017 huy động trái phiếu thêm 2.200 tỷ đồng. Trước đó, Vietcombank cũng đã chào bán thành công 20 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, thời hạn 10 năm. Các NHTM khác như NCB, LienVietPostBank… cũng đã phát hành chứng chỉ quỹ trái phiếu với lãi suất lên tới 8%/năm.
Một số NHTM có các công ty tài chính cho vay tiêu dùng mạnh như MB, VPBank, Techcombank… những tháng gần đây cũng đã tích cực nâng vốn điều lệ thông qua các đối tác. Theo các quy định hiện hành, các NHTM không thể đẩy vốn qua công ty tài chính của mình, nên cách dễ nhất là dùng các công ty tài chính này để kêu gọi vốn từ chính các đối tác của mình nhằm tăng năng lực tài chính, có thêm vốn kinh doanh.
Hiện nay nhu cầu vay vốn mua nhà để ở tại các đô thị còn rất lớn, người lao động dùng chính căn nhà mua làm tài sản đảm bảo nợ vay và khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương để trả nợ vay hàng năm sẽ là cơ hội mở rộng tín dụng tốt cho các ngân hàng. Hơn nữa nhu cầu nhà ở còn là cơ hội kích thích cho thị trường bất động sản phát triển.
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tính đến cuối năm 2017 lượng tồn kho bất động sản của cả nước còn khoảng 25.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức hấp thụ thị trường trung bình đang ở mức 50%. Điều này cho thấy, nếu các NHTM tiếp tục chính sách ưu tiên phát triển cho vay tiêu dùng, cho vay mua sắm nhà ở thì năm 2018 nhiều người có thu nhập ổn định sẽ có cơ hội tốt khi tiếp cận vốn vay mua nhà ở.