Cơ hội và rủi ro khi đầu tư cổ phiếu công nghệ năm 2025

Minh Lâm

Sau khi liên tục “phá đỉnh” trong năm 2024, cổ phiếu công nghệ được dự báo vẫn tăng trưởng tốt trong năm 2025, tuy nhiên, cơ hội sẽ đi kèm rủi ro, khi định giá cổ phiếu đang ở mức quá cao, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt từ DeepSeek.

Cổ phiếu công nghệ vẫn còn tiềm năng tăng trưởng, nhưng sẽ khó tránh được những biến động lớn trong khoản giữa và cuối năm 2025.
Cổ phiếu công nghệ vẫn còn tiềm năng tăng trưởng, nhưng sẽ khó tránh được những biến động lớn trong khoản giữa và cuối năm 2025.

Tăng đột phá nhờ các yếu tố nội tại

2024 là một năm thành công nhất của các cổ phiếu công nghệ trong suốt 24 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Các cổ phiếu ngành Công nghệ thông tin và viễn thông tăng 140% trong năm 2024, vượt trội hơn so với chỉ số VN-Index (+12%), hưởng lợi từ xu hướng nâng định giá hệ số P/E, tương đồng với các công ty công nghệ trên thế giới.

Xu hướng này đã bắt đầu từ năm 2023, nhờ tâm lý tích cực về triển vọng Trí tuệ nhân tạo (AI). Năm 2024 cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng cho Việt Nam khi các nhà mạng di động chính thức ngừng cung cấp dịch vụ cho thuê bao 2G Only, và nhà mạng thị phần di động số một là Tập đoàn Viettel (Viettel) đã tiên phong trong việc thương mại hóa 5G vào ngày 15/10/2024. Trong khi đó, VNPT cũng nối gót thương mại hóa 5G ngày 20/12/2024. Các chuyên gia kỳ vọng, MobiFone cũng sẽ thương mại hóa công nghệ di động tiên tiến này, theo sau Viettel và VNPT. Cụ thể, MobiFone đã cung cấp chương trình trải nghiệm 5G miễn phí từ tháng 11/2024. Những động thái này có thể là lý do chủ yếu cho P/E của TowerCo tăng 32% (trong khi P/E trung bình toàn cầu gần như đi ngang). CTR hiện là TowerCo niêm yết duy nhất tại Việt Nam.

Về cơ bản, đa phần các cổ phiếu cứ liên quan đến công nghệ, viễn thông đều tăng giá rất lớn, thậm chí hàng trăm phần trăm trong bối cảnh thị trường chứng khoán rất trầm lắng, ví dụ như: cổ phiếu họ nhà Viettel: CTR, VGI, VTK, VTP; cổ phiếu nhà FPT: FPT, FOX, FRT, FTS, FOC…

Trung tâm dữ liệu cũng sẽ là động lực tăng trưởng của mảng viễn thông. Cụ thể, mặc dù có tốc độ internet trung bình, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ so với các quốc gia khác trong khu vực APAC. Hơn nữa, nguồn cung chưa đủ để đáp ứng nhu cầu quốc gia (theo KPMG), điều này cho thấy thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Theo Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam trong giai đoạn 2024-2029 dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 13%. Hiện nay, một số công ty về trung tâm dữ liệu đáng chú ý bao gồm Viettel IDC (dẫn đầu thị trường), VNPT, FPT Telecom (FOX: UpCOM) và CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC.

Sẽ có nhiều biến động lớn trong năm 2025

Theo ông Đặng Trần Phục - CEO Chứng khoán TV AzFin Việt Nam, triển vọng cổ phiếu ngành Công nghệ thông tin, viễn thông trong năm 2025 vẫn tương đối sáng, đặc biệt là cổ phiếu FPT.

Định giá P/E 2024 của mảng Công nghệ thông tin toàn cầu (bao gồm Việt Nam) cải thiện nhờ tâm lý tích cực về triển vọng AI. Đối với FPT - công ty đang giao dịch tại P/E 2025 là 24,5x, dựa trên dự báo tăng trưởng EPS đạt 27% so với cùng kỳ năm 2024 (được hỗ trợ bởi lợi nhuận trước thuế tăng 24% so với cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, P/E của các công ty công nghệ nước ngoài là 21x, với tăng trưởng EPS đạt 11% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, định giá cổ phiếu FPT vẫn khá hấp dẫn. Dự báo lợi nhuận của FPT tiếp tục tăng trưởng khoảng 20% trong năm nay. Động lực chính đến việc ra mắt FPT AI Factory, sẽ đóng góp khoảng 5% doanh thu vào mảng này.

Tuy nhiên, cơ hội tăng trưởng của cổ phiếu Công nghệ thông tin, viễn thông sẽ khó đạt được mức đột phá như năm trước, do mức do sự bão hòa của thị trường viễn thông, P/E nhóm cổ phiếu này đang ở mức cao lịch sử.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các công nghệ AI như DeepSeek đang khiến nhiều nhà đầu tư toàn cầu lo lắng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Các cổ phiếu công nghệ lớn trên thế giới đang có dấu hiệu biến động mạnh.

Thị trường Việt Nam hiện vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các ngành truyền thống như Ngân hàng, Bất động sản và Tiêu dùng. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu Công nghệ (FPT, ICT, CMG...) cũng đang dần chiếm vị thế quan trọng. DeepSeek và AI có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong ngành công nghệ toàn cầu, nhưng tại Việt Nam, tác động có thể chưa rõ ràng trong ngắn hạn.

Nếu các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam biết tận dụng AI, đây có thể là cơ hội để tăng trưởng. Ngược lại, nếu không bắt kịp xu hướng, họ có thể bị bỏ lại phía sau. Do đó, cơ hội và rủi ro của ngành Công nghệ, viễn thông là ngang bằng nhau.

Trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao các diễn biến thị trường toàn cầu và đánh giá kỹ lưỡng các doanh nghiệp công nghệ trong nước về khả năng ứng dụng AI và chiến lược phát triển dài hạn, không quá lo lắng, nhưng cũng không được chủ quan.

Ông Phục cho rằng, nhóm cổ phiếu Công nghệ, viễn thông có thể gặp biến động vào giữa và cuối năm 2025, khi mà tư duy làn sóng về công nghệ có phần nào chậm dần. Do vậy, nhà đầu tư chỉ nên phân bổ một tỷ trọng tài sản thấp, khoảng dưới 10% danh mục cho các cổ phiếu Công nghệ, viễn thông.

“Như vậy, chúng ta có thể an tâm hơn trong đầu tư dài hạn”, ông Phục nói.