Rút ngắn thời gian lập, tổng hợp báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước
Bộ Tài chính đề xuất sẽ rút ngắn thời gian lập, tổng hợp báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) của các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh.
Cụ thể, về thời gian lập, tổng hợp báo cáo quyết toán NSNN, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh gửi Báo cáo quyết toán NSNN cho Bộ Tài chính chậm nhất ngày 1/8 năm sau (rút ngắn 2 tháng so với quy định của Luật NSNN năm 2015) để Bộ Tài chính rà soát.
Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN trình Chính phủ và gửi Kiểm toán Nhà nước chậm nhất là 9 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách (rút ngắn 5 tháng so với quy định hiện tại Luật NSNN 2015).
Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 10 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách (rút ngắn 6 tháng so với Luật NSNN 2015).
Quốc hội xem xét, phê chuẩn Báo cáo quyết toán NSNN chậm nhất 12 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách (rút ngắn 6 tháng so với Luật NSNN 2015).
Về trách nhiệm của các đơn vị trong công tác lập, tổng hợp báo cáo quyết toán NSNN, Bộ Tài chính quy định, thủ trưởng đơn vị sử dụng NSNN chịu trách nhiệm toàn bộ về việc quản lý, sử dụng NSNN, đảm bảo sử dụng ngân sách theo dự toán được giao, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; chứng từ chi NSNN đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Các đơn vị cũng phải sửa đổi quy định về nội dung xét duyệt quyết toán NSNN theo hướng các khoản thu, chi NSNN đảm bảo theo đúng nhiệm vụ, dự toán được giao để đảm bảo tính khả thi khi đơn vị dự toán cấp trên thực hiện xét duyệt quyết toán của đơn vị dự toán cấp dưới.
Cụ thể: Kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về phí, lệ phí và các chế độ thu khác của Nhà nước thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao; Kiểm tra, rà soát số liệu chi của đơn vị dự toán cấp dưới trực tiếp theo đúng dự toán được cấp có thẩm quyền giao; Kiểm tra, rà soát bảo đảm khớp đúng giữa số liệu tổng hợp quyết toán với các thông báo của đơn vị dự toán cấp dưới trực tiếp xét duyệt quyết toán cho đơn vị cấp dưới trực thuộc và xác nhận của KBNN nơi giao dịch.
Theo Bộ Tài chính, trách nhiệm rà soát của cơ quan tài chính trong việc quyết toán NSNN cần được sửa đổi để tăng trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách và trách nhiệm của đơn vị dự toán cấp I.
Nội dung rà soát quyết toán bao gồm: Kiểm tra tính đầy đủ, khớp đúng giữa các số liệu quyết toán theo quy định; bảo đảm khớp đúng giữa số liệu quyết toán của đơn vị dự toán cấp I với các thông báo xét duyệt quyết toán của cơ quan, đơn vị trực thuộc và xác nhận của KBNN; Kiểm tra, rà soát số liệu quyết toán đảm bảo trong phạm vi dự toán được cấp cóthẩm quyền giao.
Đối với ngân sách trung ương, Bộ Tài chính rà soát quyết toán của các Bộ, cơ quan trung ương. Trường hợp đơn vị dự toán cấp I đồng thời là đơn vị sử dụng ngân sách thì Bộ Tài chính xét duyệt quyết toán của đơn vị dự toán cấp I.
Đối với quyết toán ngân sách địa phương, cơ quan tài chính các cấp rà soát quyết toán của các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách cấp mình. Trường hợp đơn vị dự toán cấp I đồng thời là đơn vị sử dụng ngân sách thì cơ quan tài chính các cấp xét duyệt quyết toán của đơn vị dự toán cấp I.
Tại mỗi cấp ngân sách của địa phương, HĐND xem xét, phê chuẩn quyết toán của ngân sách cấp tương ứng, không phê chuẩn lại quyết toán của ngân sách cấp dưới đã được HĐND cấp dưới phê chuẩn.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN có trách nhiệm giải trình trước Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ, cơ quan của Quốc hội, Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền về việc quản lý, sử dụng NSNN theo quy định.