“Sân chơi” lớn, thách thức không nhỏ
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang đứng trước cơ hội và thách thức đan xen.
Khó khăn và cơ hội đan xen
Hiện Việt Nam đã tham gia nhiều FTA thế hệ mới, vì vậy, nhu cầu hợp tác, phát triển các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn FDI rất lớn.
Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các ngành CNHT TP. Hà Nội (HANSIBA) - cho biết, nhiều doanh nghiệp CNHT đã cung ứng được cho tập đoàn đa quốc gia lớn, cùng các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như Canon, Samsung, Toyota, Honda… Doanh nghiệp CNHT đã xuất khẩu sản phẩm trực tiếp cho nhiều đối tác trên thế giới, đem lại doanh thu rất lớn. Do đó, hiệp hội đã tiến hành đẩy mạnh việc hợp tác, ký kết thỏa thuận, xúc tiến cung- cầu cho các doanh nghiệp CNHT trong nước với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn FDI đã, đang có mặt tại Việt Nam.
Về vấn đề này, theo PGS.,TS. Phan Đăng Tuất- Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI), doanh nghiệp CNHT Việt Nam đang chịu nhiều khó khăn do dịch bệnh thời gian qua. Nhưng, khó khăn cũng mở ra nhiều cơ hội mới. Dòng dịch chuyển của các nhà đầu tư, nhà cung ứng đến Việt Nam đang tạo nên “sân chơi” mới cho doanh nghiệp CNHT.
Dù cơ hội lớn nhưng trên thực tế, số lượng doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp CNHT nội địa tham gia vào mạng lưới sản xuất vẫn còn thấp. Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài thường yêu cầu tiêu chuẩn rất cao, trong khi các doanh nghiệp CNHT chủ yếu là nhỏ và vừa, hạn chế về vốn và kinh nghiệm.
Tạo đà phát triển công nghiệp hỗ trợ
Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam khó mà đạt được như kỳ vọng đã đặt ra. Điển hình như ngành dệt may, da giày, là những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng nguyên, phụ liệu dùng để sản xuất vẫn chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Cũng chính vì phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nên khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp trong nước không có nguyên, phụ liệu để sản xuất. Tương tự, các ngành công nghiệp chủ lực khác như: Điện tử, sản xuất, lắp ráp ôtô cũng phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu nên cũng rơi vào cảnh khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát.
Để các chính sách đi vào cuộc sống, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu và sớm trình Quốc hội ban hành Luật CNHT để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Chính phủ và doanh nghiệp cùng song hành với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để hỗ trợ ngành CNHT. Đồng thời, ban hành chỉ thị cụ thể, yêu cầu các tập đoàn nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa bằng cách đặt hàng doanh nghiệp trong nước.
CNHT vẫn được xác định là lĩnh vực quan trọng, không chỉ tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước phát triển, mà còn thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao giá trị xuất khẩu.