Sàn giao dịch tiền điện tử Bittrex nộp đơn xin phá sản
Sàn giao dịch tiền điện tử Bittrex đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 8/5, sau khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cáo buộc họ điều hành một sàn giao dịch chứng khoán chưa đăng ký.
Bittrex là sàn giao dịch tiền điện tử nổi tiếng của Mỹ, được thành lập vào năm 2014 thuộc quyền quản lý của công ty Bittrex, Inc. Sàn giao dịch điện tử này có trụ sở tại Seattle, bang Washington, Hoa Kỳ do những cựu nhân viên Microsoft và Amazon phát triển.
Bittrex cho phép người dùng mua/bán trực tiếp đồng tiền điện tử trên nền tảng bảo mật cao. Bộ API của Bittrex giúp hoạt động giao dịch diễn ra nhanh chóng và dễ dàng.
Mới đây, Công ty Bittrex có trụ sở tại bang Seattle (Mỹ) đã thông báo sàn giao dịch Bittrex của Công ty này đã dừng hoạt động từ ngày 30/4, đồng thời cho biết, việc Công ty nộp đơn xin phá sản sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của Bittrex Global, có trụ sở tại Liechtenstein, nơi chỉ phục vụ khách hàng quốc tế với phạm vi hoạt động ngoài Mỹ.
Theo đơn đệ trình xin phá sản gửi lên tòa án thành phố Wilmington thuộc bang Delaware, Bittrex thông báo tài sản và nợ phải trả của công ty đều nằm trong khoảng từ 500 triệu đến một tỷ USD.
Công ty hiện vẫn đang nắm giữ các tài sản điện tử của một số khách hàng Mỹ, những người chưa rút tiền trước ngày 30/4.
Số tài sản này “an toàn và được bảo mật”. Đại diện của Bittrex cho biết công ty dự kiến sẽ yêu cầu tòa án cho phép mở lại một lượng hạn chế các tài khoản, để có thể thuận tiện thực hiện hoàn tiền cho khách hàng.
Trước đó, vào ngày 17/4, SEC đã khởi kiện Bittrex tại Mỹ điều hành một sàn giao dịch chứng khoán, nhà môi giới và cơ quan thanh toán bù trừ quốc gia chưa đăng ký.
Ông William Shihara - Cựu Giám đốc điều hành của Công ty, bị cáo buộc đã phối hợp với các tổ chức phát hành thực hiện hành vi gian dối, để tránh sự giám sát của cơ quan quản lý, trước khi bất kỳ tài sản nào được cung cấp trên nền tảng của họ.
Bittrex Inc đã bác bỏ cáo buộc của SEC, khẳng định rằng tài sản tiền điện tử trên nền tảng của công ty không phải là chứng khoán hoặc hợp đồng đầu tư.
Trong khi vụ kiện của SEC vẫn đang chờ xử lý, Bittrex trước đó đã phải nộp phạt 29 triệu USD cho Bộ Tài chính Mỹ vì "vi phạm rõ ràng" lệnh trừng phạt đối với một số quốc gia và luật chống rửa tiền.
Theo nội dung trong đơn kiện, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính là chủ nợ không có bảo đảm lớn nhất đối với Bittrex, với số nợ lên tới hơn 24 triệu USD.
Các chủ nợ lớn khác của Bittrex chủ yếu là khách hàng của sàn giao dịch tiền điện tử. Có khoảng 16 khách hàng đầu tư ít nhất một triệu USD trong tài khoản mà không đứng tên chính chủ của mình. Trong đó, có một khách hàng đầu tư tiền điện tử của Bittrex có tài sản trị giá 14,6 triệu USD.
Trong năm vừa qua, do vấp phải sự thay đổi trong quy định và giám sát chặt chẽ của cơ quan lập pháp, một số công ty trong ngành công nghiệp tiền điện tử tại Mỹ cũng đã rơi vào tình trạng bị cáo buộc vi phạm và phải nộp phạt, dẫn đến việc phá sản hoặc bị giảm giá tài sản.
Như vậy, Bittrex là cái tên mới nhất nộp đơn xin phá sản, xếp sau FTX cùng một loạt nền tảng lending nổi tiếng khác như Celsius, Voyager và BlockFi.