Sản phẩm thế mạnh địa phương cần "đòn bẩy" để đi xa
Mỗi địa phương đều có sản phẩm lợi thế, đặc sắc, song để nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, các chủ thể sản xuất là hợp tác xã, doanh nghiệp rất cần hỗ trợ từ phía chính sách Nhà nước về đào tạo nghề, tài chính, xây dựng thương hiệu, bao bì hay mẫu mã.
Tổng công ty CP thủy sản Nghệ An chuyên sản xuất sản phẩm nước mắm Cửa Lò với thương hiệu trên 70 năm. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Thủy sản Nghệ An, cho biết sản phẩm của doanh nghiệp đã được bán tới khoảng 60 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Loay hoay phát triển thị trường
Đáng chú ý, sản phẩm nước mắm Cửa Lò đã được phân phối tới các chuỗi siêu thị của một số thị trường như Lào, Đài Loan, Rumani… Mặc dù vậy, ông Hùng cho biết, sản lượng sản phẩm nước mắm xuất khẩu còn khiêm tốn, một phần do gặp khó khăn trong đáp ứng các điều kiện khắt khe mà các thị trường yêu cầu, cũng như nguồn lực doanh nghiệp có hạn.
Với Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia, bài toán tiếp cận thị trường cũng đang là vấn đề mà doanh nghiệp gặp khó. Ông Phạm Tiến Duật - Phó Giám đốc Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia, cho hay công ty chuyên sản xuất các dòng trà hoa vàng, dược liệu từ cây đinh lăng… Sản phẩm trà được bán với khối lượng, chủng loại đa dạng để người tiêu dùng lựa chọn. Đơn cử, trà hoa vàng được bán với giá từ 120.000 – 800.000 đồng/hộp.
Doanh nghiệp cũng phát triển vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng ổn định, tuy nhiên gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
“Nhiều sản phẩm được quảng cáo trà hoa vàng nhưng nguồn gốc không rõ ràng, bị đối tượng thương mại phân phối sản phẩm chiết xuất, ảnh hưởng tới giá trị, hiệu quả sản phẩm và chính thương hiệu trà hoa vàng chính hãng.
Theo đó, ông Duật mong muốn từ chương trình khuyến công, Bộ Công Thương có chính sách hỗ trợ phát triển ngành hàng trà hoa vàng nói riêng và dược liệu nói chung. Có nghiên cứu chuyên sâu để nắm bắt thực trạng vấn đề doanh nghiệp nông thôn, từ đó có giải pháp thiết thực hỗ trợ.
Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Thủy sản Nghệ An cũng bày tỏ, Bộ Công Thương cần tiếp tục chỉ đạo xây dựng chiến lược quốc gia về khuyến công ngắn, trung, dài hạn vì doanh nghiệp Việt Nam phần lớn có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên cần sự hỗ trợ Nhà nước. Quan trọng hơn, chính sách hỗ trợ nên hướng vào các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt tạo ra hệ sinh thái nhằm hỗ trợ các đơn vị liên quan, phát triển chuỗi ngành hàng.
Sửa đổi cơ chế khuyến công cho giai đoạn tới
Đại diện cho khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã (HTX), bà Phạm Tố Oanh, Trưởng Ban Chính sách và Phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam, cho biết đến nay, cả nước có 31.364 HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm 66,03%; HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 7,93%...
Ở địa phương, liên minh HTX các tỉnh thành phố phối hợp với trung tâm khuyến nông quốc gia trong việc hỗ trợ HTX. Nhiều sản phẩm của HTX đạt chứng nhận OCOP, xuất khẩu ra nước ngoài.
Giai đoạn 2010 - 2023 kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ HTX khoảng trên 20 tỷ đồng, bao gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 2.000 lao động nông thôn với số lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%; hỗ trợ hơn 100 HTX xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm...
Chương trình khuyến công cũng giúp HTX nông nghiệp với con số khoảng 20.000 HTX chế biến sản phẩm nông thuỷ sản, chuyển từ sản xuất thô sang được hỗ trợ liên kết, chế biến sâu và phát triển thị trường.
Tuy vậy, để tăng tính hiệu quả, Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về khuyến công cho các giai đoạn tiếp theo, phù hợp, thống nhất, đồng bộ với các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 45/2012/NĐ-CP theo hướng: mở rộng lĩnh vực hỗ trợ, coi trọng lĩnh vực chế biến trong nông - lâm - ngư nghiệp...; nâng mức hỗ trợ cho các đơn vị thụ hưởng hỗ trợ đổi mới máy móc, thiết bị vào sản xuất từ 300 triệu đồng hiện nay lên 500 triệu đồng; có chính sách đặc thù riêng đối với các HTX không phải đối ứng khi tham gia Chương trình Khuyến công quốc gia….
Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Sau 10 năm thực thi Nghị định 45 của Chính phủ, công tác khuyến công được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá khu vực nông thôn. Nổi bật như đã động viên, huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khuyến công ở Trung ương và địa phương cũng còn một số tồn tại, hạn chế và một số vấn đề đặt ra cần tập trung khắc phục.
Trong thời gian chưa có Nghị định mới về khuyến công, Bộ trưởng Công Thương đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm bố trí tăng nguồn vốn ngân sách nhà nước và chú trọng lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn cho hoạt động khuyến công.
Đồng thời, chủ động rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nông thôn mới.