Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2015
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng năm 2015 theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 590,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 432,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8%; lâm nghiệp đạt 20,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8%; thuỷ sản đạt 137,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2%.
Nông nghiệp
Tính đến trung tuần tháng Chín, cả nước gieo cấy được 1721,2 nghìn ha lúa mùa, bằng 96,7% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1166,2 nghìn ha, bằng 98,7%; các địa phương phía Nam gieo cấy 555 nghìn ha, bằng 92,7%. Diện tích gieo cấy lúa mùa của hầu hết các địa phương giảm do ảnh hưởng của thời tiết, bên cạnh đó một số địa phương chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây hàng năm khác hiệu quả hơn, trong đó: Bến Tre giảm 18,4 nghìn ha; Long An giảm 3,7 nghìn ha, Sơn La giảm 2,7 nghìn ha; Thanh Hóa giảm 2,2 nghìn ha; Sóc Trăng giảm 2 nghìn ha; Hà Nội giảm 1,8 nghìn ha; Ninh Thuận giảm 1,7 nghìn ha... Hiện nay, trà lúa mùa sớm tại các địa phương phía Bắc đang trong giai đoạn vào chắc và chín, ước tính năng suất đạt trên 50 tạ/ha, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước tính đạt 5,8 triệu tấn, giảm 1% (do diện tích giảm 1,3%). Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi trong những tháng cuối năm và không bị ảnh hưởng của sâu bệnh thì năng suất lúa mùa cả nước năm nay ước tính đạt 49,3 tạ/ha, tăng 0,3-0,5 tạ/ha; sản lượng lúa mùa đạt 9,6 triệu tấn, giảm 71,2 nghìn tấn so với vụ mùa năm 2014.
Cùng với việc gieo cấy lúa mùa, các địa phương trên cả nước đang bước vào thu hoạch lúa hè thu. Tính đến thời điểm 15/9/2015, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1736,1 nghìn ha lúa hè thu, bằng 96,5% cùng kỳ năm trước, chiếm 82,6% diện tích gieo trồng, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1519,5 nghìn ha, bằng 97,9% và chiếm 90,5%. Diện tích lúa hè thu cả nước năm nay ước tính đạt 2,1 triệu ha, giảm 7,5 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2014 do đầu vụ nắng nóng khô hạn dẫn đến thiếu nguồn nước tưới, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1677,8 nghìn ha, tăng 9,5 nghìn ha (An Giang tăng 4,1 nghìn ha; Kiên Giang tăng 10,6 nghìn ha; Sóc Trăng tăng 4,9 nghìn ha). Năng suất lúa hè thu ước tính đạt 54 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha; sản lượng đạt 11,3 triệu tấn, tăng 122 nghìn tấn, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 9,1 triệu tấn, tăng 183 nghìn tấn.
Tính đến trung tuần tháng Chín, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 607,5 nghìn ha lúa thu đông, bằng 103,9% cùng kỳ năm trước. Đến nay, diện tích lúa thu đông đã thu hoạch khoảng 120 nghìn ha. Ước tính diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2015 đạt 671,1 nghìn ha; năng suất tương đương vụ thu đông năm trước; sản lượng đạt gần 3,5 triệu tấn, tăng khoảng 248 nghìn tấn.
Ước tính sản lượng lúa cả năm 2015 đạt 45,1 triệu tấn, tăng 140 nghìn tấn so với năm 2014, trong đó lúa đông xuân đạt 20,7 triệu tấn, giảm 158,8 nghìn tấn; lúa thu đông và hè thu đạt 14,8 triệu tấn, tăng 370 nghìn tấn; lúa mùa đạt 9,6 triệu tấn, giảm 71,2 nghìn tấn.
Gieo trồng một số cây hoa màu nhìn chung đạt thấp. Tính đến giữa tháng Chín, cả nước đã gieo trồng được 1057,1 nghìn ha ngô, bằng 99,2% cùng kỳ năm trước; 123,1 nghìn ha khoai lang, bằng 95,3%; 193,8 nghìn ha lạc, bằng 95,8%; 98,9 nghìn ha đậu tương, bằng 91,3% và 926,3 nghìn ha rau đậu, bằng 102,8%.
Cây công nghiệp lâu năm đạt sản lượng khá do diện tích đến kỳ cho sản phẩm tăng: Sản lượng cao su 9 tháng ước tính đạt 730 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; chè đạt 828 nghìn tấn, tăng 2,5%; hồ tiêu 169,6 nghìn tấn, tăng 10%; điều 345 nghìn tấn, bằng 100%. Sản lượng một số cây ăn quả giảm do ảnh hưởng của nắng nóng, mưa trái mùa và sương muối, trong đó sản lượng chuối giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước; nhãn giảm 1,3%; cam giảm 8%. Riêng sản lượng bưởi tăng 0,6%; nho tăng 30%.
Chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn. Tính đến giữa tháng Chín, đàn trâu cả nước giảm 1% so với cùng kỳ năm 2014; đàn bò tăng 2%-2,5%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi tăng 2,4%. Chăn nuôi lợn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với mô hình chăn nuôi quy mô lớn, hiệu quả cao và hiện có nhiều thuận lợi do thị trường đầu ra ổn định. Đàn lợn cả nước tăng 2,5%-3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt lợn hơi 9 tháng tăng 3,7%. Chăn nuôi gia cầm phát triển với quy mô lớn như trang trại, gia trại. Tổng đàn gia cầm tháng Chín tăng 3%-3,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm 9 tháng tăng 5,3%.
Tính đến thời điểm 22/9/2015, dịch tai xanh trên lợn đã được khống chế trên cả nước. Dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày còn ở tỉnh Vĩnh Long và Hà Tĩnh; dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày còn ở Nghệ An, Bình Dương, Đắk Lắk và Sóc Trăng.
Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước 9 tháng ước tính đạt 172 nghìn ha, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 141 triệu cây, tăng 0,6%. Sản lượng gỗ khai thác đạt 5834 nghìn m3, tăng cao ở mức 11,8% so với cùng kỳ năm trước do thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu ổn định, trong đó một số tỉnh có sản lượng gỗ khai thác tăng cao: Bình Định đạt 552 nghìn m3, tăng 31,7%; Quảng Ngãi 515 nghìn m3, tăng 28%; Quảng Trị 355 nghìn m3, tăng 25%; Tuyên Quang 310 nghìn m3, tăng 80%; Thanh Hóa 304 nghìn m3, tăng 45,2%.
Công tác bảo vệ rừng tiếp tục được quan tâm với nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng được triển khai, nhưng do thời tiết những tháng đầu năm diễn biến nắng hạn kéo dài nên tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra ở một số địa phương. Trong 9 tháng, cả nước có 1712 ha rừng bị thiệt hại, giảm 53,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1055 ha, giảm 65,5%; diện tích rừng bị phá là 657 ha, tăng 0,9%. Một số tỉnh có diện tích rừng bị cháy nhiều: Đắk Lắk 275 ha; Thanh Hóa 169 ha; Hà Giang 156 ha; Yên Bái 142 ha. Một số tỉnh có diện tích rừng bị chặt phá nhiều: Đắk Nông 256 ha; Điện Biên 164 ha; Lâm Đồng 131 ha.
Thủy sản
Sản lượng thủy sản 9 tháng ước tính đạt 4846,6 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 3535,9 nghìn tấn, tăng 3,2%; tôm đạt 570,5 nghìn tấn, giảm 1,1%.
Diện tích nuôi trồng thủy sản 9 tháng ước tính đạt 1014,3 nghìn ha, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 732 nghìn ha, giảm 0,3%), chủ yếu do thời tiết nắng nóng kéo dài, dịch bệnh diễn biến phức tạp và thị trường xuất khẩu giảm mạnh; giá thu mua thấp trong khi chi phí giống, thức ăn, thuốc thú y tăng cao. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng ước tính đạt 2584,2 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1877,3 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 450,6 nghìn tấn, giảm 2,3%.
Nuôi cá tra có xu hướng chuyển dịch từ nuôi nhỏ lẻ sang mô hình nuôi tập trung theo chuỗi liên kết, tập trung vào áp dụng quy trình theo tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên, hiện nay người nuôi cá tra vẫn gặp khó khăn do giá cá tra nguyên liệu thấp, xuất khẩu cá tra phải chịu mức thuế cao. Riêng một số doanh nghiệp nuôi quy mô lớn và theo mô hình liên kết vẫn duy trì được mức tăng tương đối ổn định nhờ chủ động được con giống và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Diện tích nuôi cá tra 9 tháng ước tính đạt 11,2 nghìn ha, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Đồng Tháp đạt 1,6 nghìn ha, giảm 0,3%; An Giang đạt 1,1 nghìn ha, tăng 1,9%; Bến Tre đạt 0,6 nghìn ha, giảm 5,3%; Cần Thơ đạt 0,7 nghìn ha, giảm 4,9%; Vĩnh Long đạt 0,4 nghìn ha, giảm 8,2%. Sản lượng cá tra ước tính đạt 889 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó Đồng Tháp đạt 286,4 nghìn tấn, tăng 0,7%; An Giang đạt 224,6 nghìn tấn, tăng 3,9%; Bến Tre đạt 131,5 nghìn tấn, tăng 1,8%; Cần Thơ đạt 105,8 nghìn tấn, giảm 3,5%; Vĩnh Long đạt 56,2 nghìn tấn, giảm 3,7%.
Nuôi tôm cũng gặp nhiều khó khăn do giá tôm giảm, lại chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm làm cho dịch bệnh bùng phát, gây thiệt hại cho người sản xuất. Nuôi tôm thẻ chân trắng không còn mang lại hiệu quả cao như những năm trước do khả năng chống chịu dịch bệnh kém, cùng với sức ép cạnh tranh cao trên thị trường nên một bộ phận người nuôi tôm thẻ chân trắng đã chuyển sang nuôi tôm sú. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 9 tháng ước tính đạt 76,3 nghìn ha, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung ước đạt 13,6 nghìn ha, giảm 9%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 56,3 nghìn ha, giảm 11%. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước tính đạt 228 nghìn tấn, giảm 4%, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 146,4 nghìn tấn, giảm 9,8% (Sóc Trăng đạt 28,5 nghìn tấn, giảm 33,9%; Bến Tre đạt 28,1 nghìn tấn, giảm 17,6%; Trà Vinh đạt 14,1 nghìn tấn, giảm 19,2%; Bạc Liêu đạt 14,9 nghìn tấn, giảm 3,3%); vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đạt 57,3 nghìn tấn, giảm 3,7%.
Diện tích nuôi tôm sú 9 tháng năm nay ước tính đạt 577,3 nghìn ha, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 11,5 nghìn ha, giảm 1,9 %; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đạt 9,2 nghìn ha, tăng 2%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 551,5 nghìn ha, tăng 4,1%. Sản lượng tôm sú ước tính đạt 189 nghìn tấn, giảm 1,6%, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 172,4 nghìn tấn, giảm 4,8%; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đạt 4,7 nghìn tấn, giảm 6,6%.
Khai thác thủy sản tại các địa phương có nhiều thuận lợi về thời tiết. Số lượng tàu thuyền được cải hoán, nâng cao năng suất ngày càng tăng đã khuyến khích ngư dân tích cực ra khơi, bám biển. Sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng ước tính đạt 2262,4 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1658,6 nghìn tấn, tăng 4,2%; tôm đạt 119,9 nghìn tấn, tăng 3,6%; thủy sản khác đạt 483,9 nghìn tấn, tăng 4,6%. Khai thác cá ngừ đại dương đạt khá, trong đó: Bình Định đạt 7,6 nghìn tấn, tăng 4,9%; Phú Yên đạt 3,8 nghìn tấn, tăng 13,6%; Khánh Hòa đạt 3 nghìn tấn, tăng 7%.