Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn sẽ bố trí cho các dự án cấp bách
Theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020, đến cuối năm 2020 chỉ còn 103 doanh nghiệp nhà nước. Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước sẽ được bố trí cho các dự án cấp bách giai đoạn 2016 – 2020.
Phúc đáp kiến nghị của cử tri về việc làm rõ tổng số tài sản, vốn chủ sở hữu (VCSH) hiện nay doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang nắm giữ và biện pháp mà Chính phủ đưa ra để đảm bảo số tài sản này có hiệu quả, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Hầu hết các doanh nghiệp bảo toàn được vốn chủ sở hữu
Ngày 17/10/2016, Chính phủ đã có Báo cáo số 428/BC-CP gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN trong phạm vi toàn quốc năm 2015. Báo cáo này đã được Bộ Tài chính đăng tải công khai ngày 06/01/2017 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính (mof.gov.vn).
Theo đó, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2015, cả nước có 652 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng tài sản của các DN theo báo cáo hợp nhất là 3.043.687 tỷ đồng và tổng VCHS theo báo cáo hợp nhất là 1.376.236 tỷ đồng. Trong đó:
- 07 Tập đoàn kinh tế với tổng tài sản và VCHS theo báo cáo hợp nhất lần lượt là 1.931.235 tỷ đồng và 901.613 tỷ đồng;
- 76 tổng công ty nhà nước (không bao gồm số liệu của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy do đang thực hiện tái cơ cấu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ) với tổng tài sản và VCHS theo báo cáo hợp nhất lần lượt là 838.593 tỷ đồng và 322.907 tỷ đồng;
- 20 công ty TNHH một thành viên độc lập hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con với tổng tài sản và VCHS theo báo cáo hợp nhất lần lượt là 51.178 tỷ đồng và 30.379 tỷ đồng;
- 212 công ty TNHH một thành viên độc lập hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích với tổng tài sản và VCHS theo báo cáo hợp nhất lần lượt là 106.109 tỷ đồng và 74.855 tỷ đồng;
- 337 công ty TNHH một thành viên độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại với tổng tài sản và VCHS theo báo cáo hợp nhất lần lượt là 116.572 tỷ đồng và 46.482 tỷ đồng.
Theo kết quả tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 của các DNNN cho thấy, hầu hết các DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vẫn tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Về cơ bản, phần lớn các công ty mẹ - DNNN đều bảo toàn được VCHS.
Sẽ xử lý nghiêm những doanh nghiệp sử dụng vốn sai quy định
Ngày 26/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN (Luật số 69/2014/QH13), trong đó, quy định rõ về việc đầu tư vốn nhà nước vào DN; Việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Việc giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN.
Luật số 69/2014/QH13 cũng đã quy định cụ thể về việc tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN. Theo đó, hàng năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra các hoạt động về xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN; Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại DN.
Qua quá trình thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính kiến nghị, đề xuất giải pháp với cơ quan đại diện chủ sở hữu DNNN về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN; Hàng năm tổng hợp, kiến nghị, đề xuất giải pháp về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN trong phạm vi toàn quốc và báo cáo Chính phủ.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ động thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra các hoạt động trực tiếp liên quan đến các DN do mình quản lý. Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra, thanh tra, cơ quan đại diện chủ sở hữu cảnh báo, xử lý kịp thời vấn đề phát hiện trong quá trình giám sát, kiểm tra, thanh tra; đồng thời, tổng hợp gửi Bộ Tài chính những kết quả giám sát về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN.
Cùng với đó, theo quy định, hàng năm các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Tài chính, Thanh tra Thuế, Kiểm toán Nhà nước... đều lập kế hoạch và tiến hành thanh, kiểm tra các DNNN, các đơn vị sử dụng vốn NSNN nhằm phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng các DNNN sử dụng vốn của Nhà nước làm thất thoát, lãng phí, tham nhũng, kịp thời thực hiện các biện pháp ngăn chặn nguy cơ mất an toàn về quản lý vốn, tài sản tại DN.
Đến cuối năm 2020, chỉ còn 103 doanh nghiệp nhà nước
Ngày 28/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó đến cuối năm 2020 sẽ chỉ còn 103 DNNN (chưa bao gồm các công ty nông, lâm nghiệp, DN quốc phòng an ninh, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Công ty mua bán nợ Việt Nam và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, công ty thủy nông thực hiện sắp xếp theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại các DNNN đã được Chính phủ trình Quốc hội đưa vào ngân sách trung ương để bố trí đầu tư các dự án cấp bách trong giai đoạn 2016 – 2020 là khoảng 250.000 tỷ đồng.