Sát cánh cùng doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long


Bước sang năm 2023, bối cảnh ảm đạm chung của hàng loạt thị trường xuất khẩu truyền thống tiếp tục gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Vận chuyển thủy sản tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Vận chuyển thủy sản tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Đối mặt với thách thức, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt tìm kiếm thị trường và đơn hàng thay thế, quyết tâm duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Đồng thời, chính quyền các địa phương ở miền Tây Nam Bộ luôn sẵn sàng đồng hành, sát cánh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ổn định, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Cùng doanh nghiệp vượt khó

Năm 2022 tiếp tục kéo dài chuỗi thành công của ngành tôm Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD, tăng 10% so năm 2021. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, người nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long đã lo lắng khi thông tin giá vật tư đầu vào đang rục rịch tăng. Không những vậy, các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn do hàng loạt đơn hàng bị hủy vào dịp cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Để xoay xở, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thay thế. Chủ tịch Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (tỉnh Sóc Trăng) Hồ Quốc Lực cho biết, các đơn hàng bị hủy chủ yếu từ thị trường Mỹ.

Thời điểm này, doanh nghiệp cũng không có nguồn hàng nhiều và giá tôm trong nước đang ở mức cao nên việc hủy đơn hàng không làm doanh nghiệp thiệt hại. Bù lại, các thị trường khác lại đang đặt hàng, nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu hoạt động mạnh trở lại.

Tại Cần Thơ, ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã ký được đơn hàng xuất khẩu lớn và đang khẩn trương sản xuất đáp ứng yêu cầu khách hàng. Công ty cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa hiện tập trung sản xuất những lô sản phẩm đầu tiên để xuất sang Australia và Canada. Tiếp đến, đơn vị sẽ xuất thêm các đơn hàng từ 10 đến 20 tấn sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển.

Dù thị trường thực phẩm đông lạnh chịu sức ép cạnh tranh lớn, thị trường tiêu thụ khó khăn, nhưng doanh nghiệp vẫn quyết tâm giữ vững sản xuất, bảo đảm tiến độ giao hàng nhằm duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động. Trong quý I này, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cũng có đơn hàng xuất khẩu 30 nghìn tấn gạo sang thị trường châu Âu và các nước trong khu vực.

Trong đó, có 15 nghìn tấn gạo xuất sang Malaysia, Ðức, Qatar, còn lại là Hàn Quốc. Tổng Giám đốc Trung An Phạm Thái Bình chia sẻ: Công ty tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao nên giá trị thu về tương đối cao, có lô đạt giá xuất khẩu hơn 1.000 USD/tấn.

Năm 2022, công ty đạt sản lượng xuất khẩu 90 nghìn tấn gạo chất lượng cao, dù xuất khẩu dự báo nhiều khó khăn, nhưng với khởi đầu thuận lợi, doanh nghiệp vẫn có thể đạt kế hoạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng 1 triệu ha lúa chuyên canh phục vụ xuất khẩu và Trung An cũng tham gia chương trình này để mở rộng vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tại cuộc gặp doanh nghiệp dịp đầu Xuân Quý Mão vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, thành phố sẽ tiếp tục đồng hành, sát cánh hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động ổn định, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Người đứng đầu chính quyền thành phố mong muốn doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo để cải thiện chất lượng, đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và nước ngoài; quyết tâm sản xuất, kinh doanh thắng lợi, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Thêm nhiều đột phá mới

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang (tỉnh Đồng Tháp) Ong Hàng Văn, trong năm 2023, dự báo ngành thủy sản nói chung và hàng cá tra nói riêng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Công ty sẽ chủ động các giải pháp, vận dụng những kinh nghiệm quý báu đã tích lũy, tiếp tục linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, đón đầu các thị trường, đồng thời tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp về nuôi trồng, quản lý nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu của ngành hàng cá tra.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn dõi theo, lắng nghe, giải quyết mọi kiến nghị của doanh nghiệp trong thẩm quyền. Tỉnh cam kết luôn đồng hành, nỗ lực kết nối, khơi thông thị trường cho doanh nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều hoạt động đầu tư đã và đang được khẩn trương triển khai.

Cùng với các dự án hỗ trợ phát triển bền vững, tại đồng bằng sông Cửu Long còn có 11 dự án giao thông đường bộ được đầu tư với tổng kinh phí khoảng 109.541 tỷ đồng. Theo quy hoạch đến năm 2025, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sáu tuyến đường cao tốc dài 1.166km, quy mô bốn đến sáu làn xe, gồm ba tuyến trục dọc, ba tuyến trục ngang.

Dịch COVID-19 được đẩy lùi giúp đồng bằng sông Cửu Long trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài, điểm đến tiềm năng, an toàn và có lực lượng lao động dồi dào. Cùng với đó, việc triển khai thực thi các hiệp định thương mại tự do dần đi vào chiều sâu đã giúp đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu của cả nước, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Chính phủ đang tập trung thêm nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế-xã hội và thúc đẩy liên kết vùng. Nhiều dự án lớn về hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai.

Bên cạnh các tuyến đường cao tốc, còn đầu tư xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; nạo vét luồng hàng hải Định An-Cần Thơ cùng tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ cũng đã được phê duyệt quy hoạch và dự kiến đầu tư trước năm 2030;...

Ngoài ra, TP. Cần Thơ đang triển khai hoàn thiện quy hoạch trung tâm logistics của vùng với quy mô 242ha, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp và chế biến nông, thủy sản nâng cao năng lực cạnh tranh, là động lực cho các ngành sản xuất. Cần Thơ cũng dần hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng hướng tới hiện đại hóa ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Đồng Tháp, Trung ương và tỉnh đang khẩn trương triển khai các công trình giao thông như: Dự án đường cao tốc tuyến Mỹ An-Cao Lãnh; dự án đường cao tốc tuyến Cao Lãnh-An Hữu; tuyến tránh quốc lộ 30;... Cộng đồng doanh nghiệp và người dân tỉnh Đồng Tháp rất phấn khởi, kỳ vọng các dự án này khi đưa vào hoạt động sẽ tạo sự phát triển đột phá cho địa phương và kết nối thuận lợi với toàn vùng...

Còn tại Sóc Trăng, tỉnh đang dồn lực thực hiện các công việc chuẩn bị khởi công dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đúng kế hoạch, phối hợp hoàn thành các quy hoạch liên quan làm cơ sở xúc tiến, kêu gọi đầu tư cảng biển nước sâu Trần Đề.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cam kết: “Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, khắc phục hạn chế, bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết nhanh thủ tục đầu tư các dự án; tập trung chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”.

Theo Thanh Phong, Thanh Tâm, Hữu Nghĩa/nhandan.vn