Sau bão số 10, hàng dự trữ quốc gia đảm bảo an toàn tuyệt đối

Hồng Sâm

“Bão số 10 đổ bộ miền Trung mạnh cấp 12, giật cấp 15 đã gây thiệt hại nặng nề cho 06 tỉnh ven biển, đặc biệt là vùng tâm bão từ Hà Tĩnh-Quảng Bình, hàng chục nghìn nhà dân bị tốc mái, thiệt hại nặng nề về tài sản, song với sự chủ động, toàn ngành dự trữ nhà nước (DTNN) đã khắc phục nhanh các sự cố, đảm bảo an toàn tuyệt đối hàng dự trữ quốc gia”, ông Dương Đức Minh – Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng, Tổng cục DTNN đã trao đổi nhanh với chúng tôi khi đề cập tới vấn đề trên.

Nỗ lực quyết tâm bảo vệ hàng dự trữ

Trao đổi về ảnh hưởng của bão đối với các Cục DTNN khu vực, nơi bão số 10 trực tiếp ảnh hưởng, ông Dương Đức Minh cho biết, theo báo cáo nhanh, cơn bão số 10 đã làm đổ, lún, nghiêng tường rào; tốc mái nhà kho, nhà bảo quản, hư hỏng một số hạng mục công trình tại một số Chi cục DTNN thuộc các Cục DTNN khu vực: Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 2.000 triệu đồng.

Sau bão số 10, hàng dự trữ quốc gia đảm bảo an toàn tuyệt đối - Ảnh 1
Ông Dương Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng, Tổng cục DTNN: 

Khi có thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh xảy ra làm cho đời sống nhân dân một số vùng gặp khó khăn, đói kém, căn cứ đề nghị của Chủ tịch UBND các tỉnh, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) thẩm định, cùng với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong trường hợp địa phương cần hỗ trợ thuốc phòng trừ dịch bệnh, giống cây trồng...) để trình Thủ tướng Chính  quyết định. Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) giao nhiệm vụ cho các đơn vị dự trữ trực tiếp quản lý hàng DTQG triển khai xuất cấp theo kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của địa phương...

Mặc dù có thiệt hại một số về cơ sở vật chất, hệ thống kho tàng nhưng ông Dương Đức Minh cho biết, đối với con người và hàng dự trữ quốc gia tại các Cục DTNN khu vực được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đây chính là nỗ lực quyết tâm bảo vệ hàng dự trữ của toàn ngành DTNN trước cơn bão số 10.

Ông Dương Đức Minh cũng cho biết: “Trước đó, ngay sau khi nhận được Công điện ngày 13/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10 năm 2017 và bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, Tổng cục DTNN đã có Công điện số 02/CĐ-TCDT ngày 14/9/2017 chỉ đạo các Cục DTNN khu vực từ Nam Trung Bộ trở ra tổ chức triển khai thực hiện phòng, chống bão số 10.

Theo đó, Tổng cục DTNN đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện đẩy đủ theo những nội dung chỉ đạo tại công điện của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Tài chính về triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10 năm 2017. Đồng thời, tổ chức trực ban phòng chống lụt bão của đơn vị 24/24 giờ, theo dõi diễn biến của mưa bão để có phương án ứng phó giải quyết kịp thời.

Đặc biệt, kiểm tra kho tàng, hàng dự trữ quốc gia; triển khai các biện pháp phòng chống để bảo đảm an toàn về người, tài sản và hàng dự trữ quốc gia trong thời điểm trước, trong và sau mưa bão.

Bên cạnh đó, có phương án phối hợp với chính quyền địa phương sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi mưa, bão xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và hàng hóa. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng xuất hàng dự trữ quốc gia khi có quyết định của cấp có thẩm quyền…

Nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão

Về các biện pháp khắc phục thiệt hại, ông Dương Đức Minh cho biết, ngay sau khi bão tan, Tổng cục DTNN yêu cầu các Cục DTNN khu vực kịp thời khắc phục hậu quả tùy vào mức độ của từng khu vực bị ảnh hưởng.

Đối với ảnh hưởng liên quan đến hệ thống mái nhà bảo quản và khu nhà ở sinh hoạt của CBCC, trước mắt đơn vị huy động lực lượng tại chỗ, tìm biện pháp khắc phục tạm thời để bảo đảm điều kiện sinh hoạt, làm việc của CBCC đơn vị.

Tổng cục DTNN cũng yêu cầu các Cục DTNN khu vực khẩn trương triển khai ngay các thủ tục, quy định về đầu tư, sửa chữa, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, đúng quy định.

Đối với ảnh hưởng thiệt hại liên quan đến phạm vi bảo hiểm tài sản, Tổng cục yêu cầu các Cục DTNN khu vực phối hợp với đơn vị bảo hiểm để kịp thời giải quyết tổn thất theo đúng nội dung hợp đồng bảo hiểm đã ký.

Có thể thấy, thời gian qua ngành DTNN đã làm rất tốt công tác phòng tránh, ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tài sản, kho tàng, vật tư hàng DTQG.

Có được kết quả trên, theo ông Dương Đức Minh là nhờ có sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của Chính phủ, Bộ Tài chính và tinh thần lao động quên mình của cán bộ, công nhân viên ngành DTNN…