Vốn ngoại liên tiếp đổ vào các ngân hàng Việt

Theo Gia Lê/doanhnhansaigon.vn

Hãng tin Bloomberg mới đây trích dẫn một nguồn tin cho biết Tập đoàn FWD của tỷ phú Richard Li - con trai của người giàu nhất Hồng Kông Lý Gia Thành, sắp ký thỏa thuận thanh toán khoảng 400 triệu USD cho Vietcombank về việc phân phối bảo hiểm dài hạn với ngân hàng.

Hồi đầu năm nay, cũng chính Vietcombank đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ thành công cho đối tác GIC của Singapore và Mizuho Bank. Nguồn: internet
Hồi đầu năm nay, cũng chính Vietcombank đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ thành công cho đối tác GIC của Singapore và Mizuho Bank. Nguồn: internet

FWD - tập đoàn bảo hiểm có trụ sở tại Hồng Kông được cho đã trả giá cao hơn các đối thủ cạnh tranh khác, trong đó có Prudential. Trong đó, một phần của thỏa thuận là FWD sẽ mua lại công ty con mang tên Vietcombank Cardif Life Insurance, thuộc sở hữu của Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank và đơn vị bảo hiểm nhân thọ Cardif của BNP Paribas SA.

Trước đó, FWD từng chi 3 tỷ USD để mua lại một công ty bảo hiểm nhân thọ ở Thái Lan hồi tháng 7/2019. Với thương vụ tại Vietcombank, FWD tái khẳng định phương án mở rộng kinh doanh phổ biến ở Đông Nam Á, một khu vực chủ yếu tập trung các nền kinh tế đang phát triển với dân số trẻ.

Trong thời gian gần đây, dòng vốn từ các tập đoàn quốc tế không ngừng rót vào lĩnh vực tài chính Việt Nam. Trước đó trong tháng 7/2019, Hội đồng Quản trị của BIDV đã thông qua chào bán riêng lẻ 603,3 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ cho đối tác KEB Hana Bank với giá 33.640 đồng/cp. Tổng giá trị giao dịch ước tính hơn 20.295 tỷ đồng. Trong chia sẻ mới đây, chủ tịch HĐQT BIDV là ông Phan Đức Tú cho biết ngân hàng sẽ hoàn thành tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho KEB Hana Bank trong tháng 10/2019. Tiền bán cổ phần sẽ được chuyển về trong tháng tới. Tiến độ phụ thuộc vào tỷ giá và thu xếp vốn của đối tác.

Hồi đầu năm nay, cũng chính Vietcombank đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ thành công cho đối tác GIC của Singapore và Mizuho Bank - một trong những định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản, thu về khoảng 6.200 tỷ đồng (tương đương với khoảng 265 triệu USD). Trong khi MUFG - cổ đông chiến lược của VietinBank cho biết cũng sẵn sàng hỗ trợ nhà băng tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh.

Ở nhóm ngân hàng TMCP, Ngân hàng Quân đội cũng sẽ bán 7,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian còn lại của năm nay, theo đó phát hành 123 triệu cổ phiếu mới và bán 38,9 triệu cổ phiếu quỹ. Hiện tại, MBBank vẫn chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài và theo lãnh đạo của ngân hàng này thì dự kiến sẽ chào bán cổ phần cho một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài, và họ không nhất thiết phải là cổ đông chiến lược của ngân hàng.

Ngân hàng Nam Á mới đây cũng đã được NHNN chấp thuận việc thực hiện tăng vốn điều lệ từ hơn 3.353 tỷ đồng lên hơn 3.890 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông của Nam A Bank thông qua tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Đáng lưu ý là Nam Á đầu năm nay cũng đặt mục tiêu tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2019, trong đó có việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng trong ĐHCĐ đầu năm nay, VPBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ 25.300 tỷ đồng lên 28.210 tỷ đồng thông qua việc phát hành 31 triệu cổ phần cho cán bộ công nhân viên và 26 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên số lượng cổ phần phát hành riêng lẻ cụ thể sẽ được tính toán chi tiết tại thời điểm phát hành để tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài/vốn điều lệ VPBank lên mức tối đa 30% (hiện tại đang khóa ở mức 22,532%).

Trước đó trong năm 2018, HDBank cũng đã bán trên 21% cổ phần cho các nhà đầu tư ngoại thu về 300 triệu USD trước khi niêm yết đầu năm 2018; Techcombank đã bán cổ phần cho Warburg Pincus thu về 370 triệu USD trước khi niêm yết trên HOSE năm 2018…

Đối với các ngân hàng yếu kém đang trong giai đoạn tái cơ cấu cũng đứng trước cơ hội tận dụng làn sóng mua bán và sáp nhập đang mạnh mẽ.  Ngân hàng Đại Dương hiện đã bước vào giai đoạn cuối thương vụ bán cho một ngân hàng tại khu vực châu Á, sau gần hai năm làm việc với đối tác nước ngoài về đề án tái cơ cấu. Trong khi đó, Tập đoàn J Trust của Nhật Bản cũng cho biết đã dành thời gian tìm hiểu và muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém tại Việt Nam, trong đó muốn mua lại ngân hàng Xây dựng (CBBank).

Việc bán vốn cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ giúp các ngân hàng có thể đảm bảo các tiêu chí an toàn theo tiêu chuẩn mới như hệ số an toàn vốn (CAR) theo thông tư 41 sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020 tới, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dự kiến có thể giảm về còn 30% trong giai đoạn 2021-2022, mà còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh với sự hỗ trợ về công nghệ, quản lý và chiến lược của các tổ chức nước ngoài.