Sẽ chấm điểm báo cáo tài chính của các doanh nghiệp nhà nước
Đây là một trong những giải pháp được ông Đặng Quyết Tiến- Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) đưa ra nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian tới.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về kết quả CPH, thoái vốn của các DNNN trong 5 tháng đầu năm 2016?
Ông Đặng Quyết Tiến: Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2016, cả nước đã có 36 DN được phê duyệt phương án CPH, trong đó có nhiều DN lớn như các tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp, vật tư nông nghiệp, cơ khí, tư vấn xây dựng…
Tuy nhiên, tiến độ CPH vẫn còn chậm, chủ yếu chỉ diễn ra ở các DN lớn. Đặc biệt, số DN CPH không thuộc diện Nhà nước cần chi phối (trên 51% vốn điều lệ), nhưng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại các DN này vẫn còn rất cao.
Bên cạnh đó, công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng chưa theo kịp tiến độ đề ra, một phần là do những gì dễ làm nhất đã được thực hiện xong, giờ còn lại những khoản đầu tư phải cắt lỗ, chưa phát huy hiệu quả, nên khó bán. Chưa kể, một số DNNN có những khoản đầu tư sai luật, buộc cơ quan pháp luật phải đang thụ lý nên phải đợi kết quả.
Theo ông, ngoài những vấn đề hay được nhắc tới, thì diễn biến chậm CPH còn nguyên nhân nào khác?
Thực tế thời gian qua cho thấy, một số bộ, ngành vẫn muốn nắm giữ tỷ lệ chi phối tại các DNNN do mình quản lý, do đó đã xảy ra tình trạng nhiều nhà đầu tư dù muốn mua, muốn vào nhưng lại vướng rào cản này, nên tỷ lệ bán được cổ phần rất ít.
Mặc dù đã có quy định, bộ chủ quản có quyền quyết định tỷ lệ nắm giữ chi phối, định hướng phát triển của DN nhưng trong từng phương án CPH cụ thể, nếu không linh hoạt có thể sẽ làm mất cơ hội phát triển, gây thiệt thòi cho DN trong bối cảnh hội nhập. Điều này thể hiện rõ ở Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) dù là DN mạnh của khu vực, nhưng do Bộ Xây dựng vẫn nắm cổ phần chi phối, nên số lượng cổ phần bán được rất ít.
Vậy hướng xử lý vấn đề này trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Tới đây, khi sửa Quyết định 37/2014/QĐ-TTg sẽ xác định rõ hơn những DN không thuộc diện Nhà nước nắm giữ tỷ lệ chi phối. Theo đó, nếu có phương án CPH tốt, năng lực DN tốt thì không nên đặt lộ trình bán từng phần mà sẽ xây dựng phương án bán hết phần vốn nhà nước. Thực tế là, đã có những DN sau khi bán đợt 1 không hết phải tiếp tục đợt bán thứ hai. Khi ấy các DN phải cân nhắc thật kỹ để đảm bảo thành công, tránh tư tưởng bán ồ ạt có thể dẫn đến thất thoát. Mặt khác, nếu DN đã trình và được phê duyệt phương án CPH, nhưng khi phía đối tác chiến lược hoặc DN yêu cầu điều chỉnh thì Chính phủ có thể xem xét, trong đó có thể bao gồm cả việc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước.
Bên cạnh đó, ban chỉ đạo CPH tại các DN cần phải rất khắt khe với công ty tư vấn, nhất là các đơn vị trong nước. Theo hướng này, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP về CPH DNNN dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới sẽ bổ sung nội dung để nâng cao chất lượng chuyên môn của công ty tư vấn CPH.
Ngoài ra, để hút nhà đầu tư tới đây, cần phải xây dựng cơ chế bình bầu, đánh giá báo cáo tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên khía cạnh công khai, minh bạch, trong đó có cả việc mời thêm tổ chức độc lập để chấm điểm, các cơ quan liên quan khác như Bộ Tài chính, thậm chí là báo chí cũng sẽ có quyền tham gia bỏ phiếu đánh giá. Việc chấm điểm xếp loại báo cáo tài chính của các DNNN, tập đoàn có thể thực hiện từ quý 3/2016 hoặc năm 2017. Khi ấy, nếu DN nào không công khai thông tin thì người đứng đầu sẽ bị đánh giá không tuân thủ pháp luật.
Riêng với những dự án đầu tư vốn nhà nước để xảy ra thua lỗ trong thời gian vừa qua tại một số DN, nếu ngay từ đầu đã có cảnh báo rủi ro, nhưng DN vẫn cố làm, thì người quyết định phải chịu trách nhiệm. Đối với những DN đã CPH nhưng không lên sàn giao dịch, Bộ Tài chính đã có công văn đôn đốc và thời gian tới sẽ bổ sung chế tài xử phạt.
Xin cảm ơn ông!