Sẽ điều tra, truy tố một số vụ vi phạm pháp luật nhập khẩu phế liệu trái phép
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương tổ chức tiêu hủy, di dời các container phế liệu đang tồn đọng để trả lại không gian cho các cảng biển. Đồng thời, khẩn trương điều tra, truy tố một số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường do nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam.
Tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam thời gian qua diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 4 triệu tấn phế liệu (gồm nhựa, giấy, sắt thép phế liệu), trị giá hơn 1,2 tỷ USD. Như vậy, trung bình mỗi tháng Việt Nam chi gần 200 triệu USD nhập khẩu phế liệu.
Trong khi trước đó, cả năm 2016 Việt Nam chỉ nhập khẩu 4,9 triệu tấn với trị giá gần 1 tỷ USD; năm 2017, chỉ nhập khẩu 5,5 triệu tấn phế liệu với trị giá 1,8 tỷ USD.
Có thể nói, nhu cầu về phế liệu như giấy vụn, nhựa… để làm nguyên liệu là có thật, điều này có lợi về kinh tế cho nhà sản xuất nhưng không có lợi về môi trường. Hiện nay, còn tồn đọng nhiều container phế liệu nhập khẩu tại các cảng. Theo Tổng cục Hải quan, hiện khoảng 5.000 container phế liệu đang tồn đọng tại cảng Hải Phòng và Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh).
Riêng số container tồn tại cảng Cát Lái tính đến ngày 25/7 là 3.579 container, trong đó có 2.423 container tồn quá 90 ngày. Tại Hải Phòng, tính đến ngày 5/7, tổng số container còn tồn là 1.495 container, trong đó hơn một nửa có số tồn quá 90 ngày. Riêng mặt hàng phế liệu nhựa chiếm tới 1.342 container tồn đọng tại cảng Hải Phòng.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu (các địa phương có cảng biển có số lượng lớn phế liệu tồn đọng) kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng trên; Tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ, tốt hơn việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam trong thời gian tới, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam...
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu trong thời gian qua, xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan, thu hồi giấp phép của các doanh nghiệp nếu phát hiện sai phạm. Rà soát lại toàn bộ giấy phép nhập khẩu phế liệu còn hạn ngạch. Trong thời gian tới, chỉ xem xét cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu cho doanh nghiệp khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất. Khẩn trương ban hành quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với toàn bộ mặt hàng phế liệu được phép nhập khẩu...
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương, các cảng biển và Hải quan cung cấp danh sách để điều tra, làm rõ nguyên nhân các container phế liệu được vào Việt Nam mà không có người nhận, người vận chuyển; Khẩn trương điều tra, truy tố một số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường do nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam. Bộ Quốc phòng huy động các lực lượng chức năng có trách nhiệm để phòng ngừa, ngăn chặn từ xa việc nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương tổ chức tiêu hủy, di dời các container phế liệu đang tồn đọng để trả lại không gian cho các cảng biển. Bộ Công Thương rà soát quy định hiện hành, có giải pháp kiểm soát và hạn chế hoạt động tạm nhập tái xuất đối với phế liệu...