Sẽ không có sự khác biệt giữa ngân hàng số và ngân hàng truyền thống trong 10 năm tới?
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của nền kinh tế trong thời đại cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới. Cùng với xu hướng phát triển của CMCN 4.0, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã triển khai và đạt được một số thành công nhất định trong số hóa và ứng dụng công nghệ hiện đại trong các hoạt động tài chính - ngân hàng.
Sự “bùng nổ” của ngân hàng số tại Việt Nam trong thời gian qua
Ngân hàng số (Digital Banking) là một hình thức ngân hàng số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ của ngân hàng truyền thống.
Nói cách khác, tất cả những gì khách hàng có thể thực hiện ở các chi nhánh ngân hàng truyền thống được số hóa và tích hợp vào một ứng dụng ngân hàng số duy nhất giúp khách hàng không cần phải đến chi nhánh ngân hàng mà vẫn có thể thực hiện được tất cả các giao dịch.
Đồng thời, các hoạt động của ngân hàng như quản lý rủi ro, nguồn vốn, phát triển sản phẩm, marketing, quản lý bán hàng… cũng được số hóa để tiếp cận tới khách hàng một cách tiện lợi và nhanh chóng, hiệu quả nhất có thể.
5 năm trước, ứng dụng ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam - Timo chính thức được ra mắt và đã tạo ra “hiện tượng” tại thị trường Việt Nam lúc bấy giờ, mang lại những trải nghiệm tài chính hoàn toàn mới mẻ đến với người dùng. Đây cũng là “phát súng” đầu tiên khơi mào cuộc đua số hóa ngân hàng đang ngày càng bùng nổ.
Cùng với xu hướng phát triển của CMCN 4.0, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dưới tác động của đại dịch COVID-19, các giao dịch ngân hàng trực tuyến trở nên quan trọng và có mức tăng đột biến.
Có thể thấy, đây là bước chuyển mình tất yếu của ngành Ngân hàng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, đòi hỏi các hệ thống ngân hàng trước yêu cầu bắt buộc phải chuyển đổi số để tồn tại, thích ứng trước sự thay đổi của kinh tế - xã hội, cạnh tranh quyết liệt và tìm được cơ hội phát triển ngay trong giai đoạn khó khăn.
Sẽ không còn sự khác biệt giữa ngân hàng số và ngân hàng truyền thống trong 10 năm tới?
Theo báo cáo của KPMG, mô hình ngân hàng cũng như phương thức vận hành trong 10 năm tới sẽ chứng kiến rất nhiều sự thay đổi.
Chỉ trong thập kỷ tới, ngành Ngân hàng sẽ thay đổi nhiều hơn tất cả những gì đã diễn ra ở ngành công nghiệp này trong 100 năm qua. Điều này hoàn toàn không chỉ do các công nghệ tiên tiến, mà là sự kết hợp của các yếu tố nhân khẩu học, những thay đổi về kinh tế - xã hội, và môi trường.
Các mô hình hoạt động lấy sản phẩm làm trung tâm trong quá khứ sẽ chuyển sang hướng tiếp cận dựa trên việc lấy khách hàng làm nền tảng phát triển. Các ngân hàng sẽ khai thác các cơ hội mới có sẵn trong các lĩnh vực lân cận như mua sắm, giáo dục, du lịch, ăn uống, giải trí,… tạo ra một hệ sinh thái mà lĩnh vực tài chính, ngân hàng đóng vai trò điều phối và thúc đẩy mọi sự phát triển.
Khi được hỏi về tương lai của ngân hàng số trong 10 năm tới, ông Nguyễn Bảo Hoàng - Tổng giám đốc ngân hàng số Timo cho biết: “Với quá trình số hóa đang được đẩy nhanh tốc độ như hiện tại thì chỉ 7-10 năm nữa, sẽ không còn khoảng cách hay sự khác biệt giữa các ngân hàng truyền thống và ngân hàng số. Điều tiên quyết để trở thành ngân hàng dẫn đầu trong tương lai là luôn đổi mới sáng tạo nhằm mang tới những trải nghiệm đột phá cho khách hàng. Chúng ta không chỉ tạo ra những sản phẩm tốt mà còn phải mang tới những chất lượng dịch vụ thật sự tốt. Tôi dự đoán mảng Big Data (dữ liệu lớn), Machine Learning (máy học), AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ được ứng dụng rộng rãi nhằm giúp các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng số nói riêng nghiên cứu kỹ hơn về hành vi, thói quen tiêu dùng của khách hàng. Từ đó có thể cá nhân hóa tối đa trải nghiệm của người tiêu dùng giúp đưa ra dịch vụ tài chính phù hợp nhất với nhu cầu tức thời của họ.
Trong năm 2020, Timo được công nhận là Ngân hàng số phát triển nhanh nhất và sáng tạo nhất do Global Economics trao tặng. 2 năm liên tiếp 2019 - 2020 nhận giải Ngân hàng số tốt nhất Việt Nam từ Asiamoney. Tuy nhiên mục tiêu mà tôi đề ra trong 10 năm tới là Timo phải trở thành một trong những ngân hàng tốt nhất Việt Nam, vì tôi tin sẽ không còn sự khác biệt giữa các ngân hàng truyền thống và ngân hàng số trong 10 năm tới.”
Cơ hội duy nhất để ngân hàng đặt nền móng kỹ thuật số
Chỉ trong 1 năm qua, thị trường đã chứng kiến sự ra đời của nhiều ngân hàng thuần số như: UBank, Cake, TNEX... và một số ngân hàng cũng chính thức ra mắt dịch vụ ngân hàng số như VCB Digibank của Vietcombank, OCB với ngân hàng số OCB OMNI, SeABank với SeAMobile, BIDV iBank…
Đã có 93% ngân hàng phản hồi khảo sát của Vietnam Report cho biết, hiện đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số; 80% cho biết đang số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng và thu hút lao động trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin. Nếu không phát triển một lộ trình số hóa có chiến lược, tầm nhìn dài hạn và rõ ràng ngay từ bây giờ, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ sớm phải đứng ngoài cuộc chơi này trong tương lai gần.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã thiết kế ứng dụng với giao diện thông minh và thân thiện với người dùng, triển khai chương trình miễn phí mở và duy trì thẻ, mở tài khoản ngân hàng trực tuyến bằng phương pháp định danh điện tử (eKYC), rút tiền qua mã QR, phát hành thẻ Online, đi kèm nhiều chương trình khuyến mãi và quà tặng... phần nào cho thấy nỗ lực của các ngân hàng số trong cuộc đua cạnh tranh năng lực cũng như thu hút thêm số lượng khách hàng.
Tuy nhiên, yêu cầu và mong đợi cầu của khách hàng sẽ ngày một cao hơn, từ đó thúc đẩy các ngân hàng số phải nỗ lực đổi mới hơn bao giờ hết trong cuộc đua sôi động và đầy thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội này.